“Cán bộ hòa giải luôn phải đặt chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Đặng Thị Thành: “Muốn hòa giải thành phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên”. Ảnh: Văn Biên |
Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với sự nhẹ nhàng, tinh tế vốn có của phụ nữ, những hòa giải viên là cán bộ hội phụ nữ cơ sở thường xuyên xử lý các vụ việc đạt hiệu quả.
21 năm nay, bà Đặng Thị Thành đã cùng với các thành viên trong tổ hòa giải phối hợp hòa giải thành công nhiều vụ việc từ chuyện các cặp vợ chồng xích mích, đến chuyện lớn hơn là mâu thuẫn giữa các hộ gia đình với nhau, mâu thuẫn giữa hộ gia đình với tập thể tổ dân phố, khu dân cư…
Chia sẻ với phóng viên PL&XH về quá trình tham gia công tác hòa giải cơ sở của mình, bà Thành cho biết, công việc để hòa giải thành công là cả một quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì hiệu quả mới đạt cao.
“Để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải có những kỹ năng như: Phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế… và gần gũi với Nhân dân. Đồng thời, gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”, bà Thành chia sẻ.
Theo bà Thành, quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau.
“Để thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, trong quá trình hòa giải, tùy vụ việc, chúng tôi vận dụng những phong tục, tập quán, quy ước và những kiến thức pháp luật liên quan, nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình theo phương châm “đúng - sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn” và xóa tan tranh chấp. Hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn”. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình”, bà Thành bộc bạch.
Khi tham gia hòa giải, bà Thành và các thành viên khác trong tổ luôn đặt chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu. Có như vậy, người trong cuộc mới dịu bớt để cùng nhau giải quyết ổn thỏa vụ việc. “Muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên. Đồng thời, phải gần gũi, thân thiện và thông cảm với người trong cuộc, ăn nói nhẹ nhàng, thấu đáo”, bà Thành cho hay.
Không mấy ngạc nhiên khi nhiều người trong tổ dân phố 11, phường Bưởi vẫn gọi đùa bà Thành là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Với tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều năm qua, bà Đặng Thị Thành vẫn nhiệt tình với công việc, vẫn âm thầm đi sâu sát quần chúng góp phần hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh trong quần chúng Nhân dân, giữ gìn hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người.
Ông Nguyễn Minh Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi, cho biết: “Với 21 năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, với tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với công việc, bà Đặng Thị Thành đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, kiên trì tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần mang lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư”.
Công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện | |
Người làm hoà giải phải luôn sát dân, gần dân | |
Nữ cán bộ hoà giải dùng sự chân thành để hóa giải mâu thuẫn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại