Thứ hai 20/05/2024 15:07

Cam Thảo có tác dụng bất ngờ trong phòng dịch cúm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2, Bộ Y tế đưa ra loạt bài thuốc, điểm chung bài thuốc đều dùng cam thảo.    

Kết hợp y học cổ truyền và Tây y để chống lại virus là một phương pháp điều trị mà y tế Trung Quốc đã sử dụng ngay từ cuộc chiến chống đại dịch SARS năm 2003.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đông y và Tây y Trung Quốc tiếp tục “song kiếm hợp bích” và Giáo sư, Viện sĩ Trương Bá Lễ lại được “trưng dụng” và một lần nữa đông y Trung Quốc lại cho thấy những giá trị quá đỗi tuyệt vời.

Mới đây, trong hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2, Bộ Y tế đưa ra loạt bài thuốc, điểm chung bài thuốc: Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều kiện); Ngân kiều tán gia giảm; Sâm tô tán (Hòa tễ cục phương); Hạnh tô tán (Ôn bệnh điều biện)... đều sử dụng thảo dược Cam Thảo.

Vì sao Cam Thảo lại được lựa chọn đưa vào các bài thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2?

Theo tìm hiểu Cam Thảo là loại dược liệu phổ biến ở nước ta. Đã từ lâu Cam Thảo được biết đến như một vị trà có hương vị ngọt mát, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Thế nhưng trong đông y Cam Thảo được biết đến là một trong những vị thuốc quan trọng trong các bài thuốc, có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là tăng cường sức đề kháng cơ thể.

cam thao co tac dung bat ngo trong phong dich cum
Cam thảo là vị thuốc quý (ảnh internet)

Trong sách đông y, Cam Thảo được phân ra làm nhiều loại như: Cam thảo Bắc, Cam thảo Nam, Cam thảo dây… mỗi loại cam thảo có hương vị và thành phần dược liệu khác nhau. Tuy nhiên, nhìn nhận chung thì đều là những vị thuốc quý, riêng về vị thì cam thảo Bắc vị sắc hơn 2 loại cam thảo còn lại.

Cam thảo Bắc: Theo các tư liệu sách đông y, cây có chiều cao khoảng từ 1-1,5m. Toàn thân có lông, lá kép, có quả nhỏ, có vị ngọt sắc.

Thành phần hóa học có: Tinh bột, vitamin C, tinh dầu, Glucoza, Glyxirizin…

Cam thảo dây: Là loại dây leo, cành nhỏ, thân có nhiều sơ, quả xếp thành chùm, thường dùng được cả thân và lá.

Thành phần hóa học có: Lá, rễ Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự glycyrrhizin của Cam thảo, nhưng vị khó chịu và đắng. Hạt chứa một albumin độc (toxalbumin) là abrin có cấu trúc và tính chất gần với ricin trong hạt thầu dầu…

Cam thảo Nam: Là loại cây mọc thẳng có chiều dài từ 40-80cm, thân ngắn có dễ hình trụ, lá mọc đối xứng, có hoa trắng mọc ở kẽ lá, cây có thể dùng cả khô và tươi để làm thuốc.

Thành phần hóa học: Cây chứa một alcaloid và một chất đắngcòn có nhiều acid silicic và một hoạt chất gọi là amellin. Phần cây trên mặt đất chứa một chất dầu sền sệt, mà trong thành phần có dulciol, scopariol, (+) manitol, glucose. Rễ chứa (+) manitol, tanin, alcaloid, một hợp chất triterpen…

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Bác sĩ Chuyên khoa II, hiện là giảng viên Học viện Y dược Cổ truyền) cho biết: Cam Thảo là vị thuốc có rất nhiều tác dụng tốt được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y.

cam thao co tac dung bat ngo trong phong dich cum
Ts. Phạm Việt Hoàng

Cam Thảo có tác dụng chủ yếu là bồi bổ cơ thể, giảm cholesterol, giải độc, điều hòa các vị thuốc, có tính bình, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tính năng của Cam Thảo sẽ thay đổi tùy cách sao chế.

Cam Thảo có thể dùng chữa Tỳ vị hư nhược, kém ăn, đau bụng do tiêu chảy, ho do yếu phổi, sốt do mệt mỏi… Đặc biệt là cảm cúm thông thường.

Tuy nhiên, trong đông y Cam Thảo thường được kết hợp với các vị thuốc để thành 1 bài thuốc chứ chưa bao giờ đứng độc lập để chữa một bệnh nào đó. Nếu biết dùng phù hợp Cam Thảo sẽ rất tốt . Việc dùng cam thảo, kết hợp vị thuốc này thế nào phải được sự hướng dẫn của các bác sĩ, các nhà chuyên môn.

Nếu dùng không đúng cách, không đúng liều lượng thì Cam Thảo lại bị phản tác dụng. “Ví dụ như dùng nhiều không đúng sẽ có nguy cơ mắc bệnh thận, điều này đã có công trình chứng minh.

Người bị tăng huyết áp, huyết áp không ổn định cũng không nên dùng Cam Thảo. Những người bị táo bón lâu ngày, người cao tuổi, người viêm phế quản, ho nhiều, khó thở cũng tốt nhất không nên sử dụng Cam Thảo”, TS Hoàng chia sẻ.

Theo tiến sĩ Hoàng, chưa có một công trình nghiên cứu nào thể hiện việc Cam Thảo có thể chống được cúm như dịch Covid-19 hiện nay chẳng hạn. “Cam thảo hay các dược liệu nói chung đều phải được sử dụng đúng cách của các bác sĩ, những nhà chuyên môn đã được công nhận.

Ngoài ra, người dân cũng cần vận động, ăn uống điều độ để nâng cao sức đề kháng không nên ỉ lại hay lạm dụng thuốc quá nhiều. Nhất là thời điểm có dịch Covid-19 thì nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…”, tiến sĩ Phạm Việt Hoàng kết luận.

Nhất Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động