Thứ sáu 22/11/2024 06:40

Diệp lục – công dụng và những lưu ý khi sử dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Diệp lục trong những năm gần đây đã trở thành một xu hướng nổi bật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Với khả năng thải độc, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện làn da, diệp lục đã trở thành lựa chọn phổ biến trong lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ về công dụng và những lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nước diệp lục mang lại nhiều lợi ích như chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cân và phục hồi làn da
Nước diệp lục mang lại nhiều lợi ích như chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cân và phục hồi làn da

1. Diệp lục là gì?

Diệp lục, tên khoa học là chlorophyll, là một loại sắc tố màu xanh lá cây tự nhiên được tìm thấy trong hầu hết các loài thực vật, tảo và vi khuẩn lam (cyanobacteria). Chức năng chính của diệp lục là hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển hóa carbon dioxide và nước thành đường và oxy để nuôi sống cây thông qua quá trình quang hợp.

Chất diệp lục thường có trong các thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như:

_ Các loại rau xanh: Các loại rau như rau mùi, rau cải xoăn, rau chân vịt, rau ngót, rau răm, cải bó xôi, rau cải thìa, rau dền, rau xà lách và cải xoong đều chứa nhiều diệp lục.

_ Các loại rau quả: Một số loại rau quả khác như củ cải đường, bắp cải, dưa chuột và bí đỏ.

_ Các loại tảo biển: Tảo xanh (chlorella) và những loại tảo biển khác cũng là nguồn thực phẩm giàu chất diệp lục.

_ Các sản phẩm bổ sung: Ngoài các thực phẩm trên, diệp lục cũng có thể được bổ sung vào nước uống, như nước diệp lục để tăng cường lợi ích sức khỏe. Ngoài ra, còn có các sản phẩm bổ sung khác dưới dạng bột, viên nang để bạn có thể lựa chọn.

2. Diệp lục có công dụng như thế nào với sức khỏe và sắc đẹp?

Dưới đây là các công dụng hiệu quả của loại nước này đối với sức khỏe và làm đẹp đã được kiểm chứng bằng những nghiên cứu khoa học hiện đại:

Chống oxy hóa

Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chất diệp lục có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể chống lại sự tổn thương do các phân tử gốc tự do gây ra. Những hợp chất như polyphenol và flavonoid có nhiều trong diệp lục mang khả năng ngăn chặn quá trình oxy hóa trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến stress oxy hóa như bệnh tim mạch và ung thư.

Làm đẹp da

Năm 2017, một nghiên cứu lâm sàng nhỏ được thực hiện trên 20 người cho thấy việc bôi gel chiết xuất từ ​​chlorophyllin (một dạng diệp lục) hai lần mỗi ngày trong 4 tuần đã giúp giảm đáng kể mức độ đỏ da, sưng tấy và kích ứng da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cùng với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, nước diệp lục có thể giúp làm giảm nếp nhăn và tăng độ đàn hồi cho da.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Một nghiên cứu lâm sàng khác vào năm 2015 được thực hiện trên 38 người cho thấy việc uống 75mg chlorophyllin mỗi ngày trong 3 tháng giúp giảm nhẹ huyết áp ở những người bị tăng huyết áp nhẹ. Trong khi đó, giảm huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, từ đó có thể thấy diệp lục có khả năng mang lại lợi ích cho sức khỏe của tim.

Tốt cho máu

Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy cỏ lúa mì, chứa khoảng 70% chất diệp lục, làm giảm số lượng truyền máu cần thiết ở những người mắc bệnh thalassemia, một chứng rối loạn về máu. Chất diệp lục lỏng có thể xây dựng máu của bạn bằng cách cải thiện chất lượng của các tế bào hồng cầu.

3. Những lưu ý khi sử dụng nước diệp lục

Chọn sản phẩm chất lượng

Khi chọn mua nước diệp lục, hãy tìm các sản phẩm từ những thương hiệu đáng tin cậy và có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, kiểm tra kỹ thành phần của sản phẩm, nên chọn những sản phẩm có chiết xuất từ các nguồn thực vật tự nhiên như lúa mì, rau xanh hoặc tảo biển.

Tuân thủ liều lượng

Luôn tuân theo hướng dẫn sử dụng và liều lượng khuyến cáo trên bao bì sản phẩm. Thông thường, các nhà sản xuất sẽ đề xuất một liều lượng cụ thể để đảm bảo cung cấp đủ lượng diệp lục an toàn và hiệu quả cho cơ thể của người dùng. Nên bắt đầu với liều lượng nhỏ khoảng 100mg mỗi ngày và tăng dần lên 200 – 400mg mỗi ngày nếu cơ thể không có phản ứng tiêu cực.

Theo dõi phản ứng cơ thể

Nếu bạn cảm thấy khó chịu, buồn nôn, hoặc các vấn đề tiêu hóa, hãy tạm ngưng và đến gặp bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc tần suất sử dụng cho phù hợp. Họ có thể cung cấp hướng dẫn dựa trên nhu cầu cá nhân và tình trạng sức khỏe của bạn.

Vân Lê (tổng hợp)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động