Thứ sáu 22/11/2024 05:34
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Các giải pháp đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính sách huy động, sử dụng và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là chính sách có kế thừa, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới so với khoản 1 Điều 13 của Luật Thủ đô năm 2012; được quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 41 và một số điều khoản khác trong dự thảo Luật.
Các giải pháp đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ
Xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Thủ đô hiện hành về phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội phù hợp Nghị quyết số 15/NQ -TW là yêu cầu hết sức cấp thiết. Ảnh: Khánh Huy

Trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước?

Theo TS. Hoàng Ly Anh, Trường ĐH Luật Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - lĩnh vực có nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung của dự thảo, trong đó nổi bật là chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các ưu đãi dành cho chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, phân cấp, phân quyền quản lý về khoa học công nghệ cho chính quyền Thủ đô.

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15-NQ/TW). Nghị quyết số 15-NQ/TW đã trao cho Thủ đô một cơ hội quan trọng, xứng tầm để phát triển khi xác định mục tiêu rõ ràng cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW đồng thời cũng đặt trách nhiệm lớn đối với các cơ quan, tổ chức và người dân Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Với những lý do trên, xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Thủ đô hiện hành về phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội phù hợp Nghị quyết số 15/NQ -TW là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành toàn bộ Điều 25 (gồm 7 Khoản) quy định cụ thể về “phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số”. So với của Điều 13 của Luật Thủ đô hiện hành về “phát triển khoa học và công nghệ”, quy định của Dự thảo bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo cơ chế cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô phát triển nhanh, trở thành động lực để Thủ đô phát triển bứt phá trong điều kiện mới, trong đó xác định Hà Nội “trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế”.

Để quy định dự thảo về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hoàn thiện hơn, TS. Hoàng Ly Anh cho rằng việc xây dựng quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về nguyên tắc, cần phải kế thừa các quy định đã được kiểm nghiệm hiệu quả trong thực tế, phù hợp với định hướng xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Thủ đô có vị trí đặc biệt quan trọng, vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi), mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội được xác định trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và thế giới cần đặc biệt được nhấn mạnh.

Về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Hà Nội là thành phố có tiềm lực lớn về khoa học và công nghệ với mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ và nhiều loại hình tổ chức.

Các giải pháp đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ
Theo TS. Hoàng Ly Anh - Trường đại học Luật Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - lĩnh vực có nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung của dự thảo. Ảnh: NVCC

Cho tới nay, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu (chiếm khoảng 80% số viện nghiên cứu cả nước), 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với trình độ nhân lực cao. Bên cạnh các tổ chức khoa học công nghệ công lập, Hà Nội còn có 176 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển, dịch vụ… Đây chính là tiềm lực khoa học công nghệ lớn để thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của Hà Nội.

Không chỉ có tiềm lực lớn về khoa học và công nghệ, Hà Nội còn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương, các địa phương, Bộ, ban ngành để phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như quyết tâm của chính T.

TS. Hoàng Ly Anh phân tích, nên cân nhắc việc giữ hoàn toàn, không sửa đổi định hướng mang tính nguyên tắc “Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học”. Có thể thấy, việc yêu cầu “tập trung phát triển đồng bộ” như vậy tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển của tất cả các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Tuy nhiên, quy định “tập trung phát triển đồng bộ” vẫn cần được giải thích thêm để được áp dụng phù hợp. Bởi, dưới góc độ đầu tư, “tập trung phát triển đồng bộ” có thể co cách hiểu là “dàn hàng” đầu tư, phát triển và cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới đầu tư nguồn lực dàn trải trong mọi lĩnh vực của khoa hoc và công nghệ bao gồm cả tự nhiên và xã hội, dẫn đến việc sử dụng nguồn lực chưa thực sự hợp lý, hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Mặt khác, việc quy định “tập trung phát triển đồng bộ” có thể chưa làm nổi bật được chính sách phát triển trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô mà Dự thảo vừa bổ sung.

Bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội

Về chuyển đổi số: thực tế, khoản 1 Điều 25 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự thay đổi về chất trong quy định về chính sách của Thủ đô trong thời gian tới để đạt được sự phát triển vượt trội, bứt phá nhằm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định như sau: “Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế.

Các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vacxin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến; công nghệ vật liệu xây dựng mới”.

Như vậy, bên cạnh chính sách “bảo đảm phát huy tiềm năng, thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng khẳng định mục tiêu và quyết tâm “chuyển đổi số” sâu, rộng, đồng bộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội Thủ đô nhằm tạo sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh cả nước quyết tâm chuyển đổi số.

Việc bổ sung chính sách về chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội Thủ đô cũng thể hiện tư duy, tầm nhìn để Thủ đô phát triển vượt trôi. Bởi, chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, nền kinh tế nào. Trong khi đó, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hoá, siêu kết nối và sử lý dữ liệu thông minh.

Về các ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ: Nhằm bảo đảm các ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ là một chính sách hiệu quả, cần được phát huy. Vì vậy, Khoản 2, Khoản 3 Điều 25 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định rất cụ thể cơ chế ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ.

Theo Khoản 2 Điều 25 Dự thảo, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô được hưởng các cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ; quyết định thuê, thoả thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ...

Đối với cá nhân chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công ng hệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô còn được hưởng các ưu đãi và được áp dụng biện pháp triển khai nhiệm vụ như thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm được xác định là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân; được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố một phần chi phí thuê nhà, phương tiện đi lại trong thời gian chủ trì nhiệm vụ.

Các giải pháp đặc thù, nổi trội để khắc phục các bất cập:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ/đột phá, tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học theo hướng áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ KHCN, quy định các trường hợp mua sắm thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ KHCN mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu; cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô (Điều 25 khoản 2, điểm a), thúc đẩy phát triển thị trường KHCN của Thủ đô.

Thứ hai, xác định các lĩnh vực KHCN trọng điểm của Thủ đô (Điều 25, khoản 1) và áp dụng các ưu đãi nổi trội để thu hút, phát huy tối đa tiềm lực của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức KHCN tham gia chủ trì, thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm; hỗ trợ từ Ngân sách TP cho việc thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực KHCN trọng điểm tại các doanh nghiệp, tổ chức KHCN (Điều 25, Khoản 2, điểm b, c); các cơ chế hỗ trợ nổi trội đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm để giúp họ tham gia thuận lợi vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô (Điều 25, Khoản 3).

Thứ ba, cho phép TP Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo (Điều 41) đối với:

Các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực KHCN trọng điểm của Thủ đô và thực hiện thử nghiệm tại Khu công nghệ cao (Điều 41, khoản 2, điểm a)

Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ để đầu tư thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về KHCN (Điều 41, khoản 2, điểm c).

Thứ tư, trao quyền cho TP Hà Nội lập quy hoạch và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng CNC và chuyển giao KCNC Hoà Lạc từ trung ương về Hà Nội quản lý, phù hợp với quy hoạch chung về KCNC của Thủ đô (Điều 26). Đây là một giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm tạo hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực CNC thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội như Nghị quyết 15 –NQ/TƯ đã xác định.

Thứ năm, áp dụng các chính sách, chế độ ưu đãi chung cao nhất trong dự thảo Luật về thu hút, trọng dụng nhân tài là người Việt Nam và người nước ngoài trong lĩnh vực KHCN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, (Điều 17, Điều 18); về ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án, ngành nghề, lĩnh vực KHCN (Điều 44, Khoản 1, điểm b, c); về ưu đãi đầu tư cho các dự án sử dụng hoặc phát triển CNC, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo (Điều 45, Khoản 1, điểm d,e); xác định phát triển KHCN là lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên trong liên kết Vùng Thủ đô (Điều 49, Khoản 4).

Tăng quyền, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội cho Thủ đô Hà Nội Tăng quyền, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội cho Thủ đô Hà Nội
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động