Thứ bảy 18/05/2024 23:44

Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp không có chức năng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, chỉ có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông.

Ông Hoàng Đức Minh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Điều 43 Luật Giáo dục 2019 quy định, Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) bao gồm nhiều chương trình. Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 43 quy định: "Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân".

Khoản 3 Điều 43 quy định: "Nội dung chương trình GDTX quy định tại điểm d khoản 1 điều này nhằm đạt một trình độ trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung của chương trình giáo dục cùng cấp học, trình độ đào tạo quy định tại Điều 31 của Luật này, quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học".

Điều này khẳng định, Chương trình GDTX lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Đối với giáo dục phổ thông là Chương trình GDTX cấp THCS và THPT; Đối với giáo dục nghề nghiệp là Chương trình GDTX trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng; Đối với trình độ đại học là Chương trình GDTX trình độ đại học.

Khoản 4 Điều 44 nêu rõ: Cơ sở giáo dục phổ thông được dạy chương trình GDTX cùng cấp (cấp THCS và THPT) sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ GD&ĐT); Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy Chương trình GDTX trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ LĐ-TB&XH); Cơ sở giáo dục đại học được dạy Chương trình GDTX trình độ đào tạo đại học sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ GD&ĐT).

Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDTX ở cấp học nào phải có chức năng được quy định bởi luật hoặc quy chế/ điều lệ thực hiện chương trình chính quy ở cùng cấp học đó.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Giáo dục 2019 quy định: "Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này, trừ chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân". Như vậy chỉ có Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.

Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp không có chức năng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật (Ảnh: Moet.gov.vn)

Thực tế, Trung tâm GDNN-GDTX là trung tâm được sáp nhập từ 3 trung tâm công lập cấp huyện gồm: Trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp thành Trung tâm GDNN-GDTX. Việc sáp nhập này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLB-BLĐTBXH- BGDĐT -BNV ngày 19-10-2015 của Liên Bộ LĐTBXH, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.

Trung tâm GDNN-GDTX này có đủ ba chức năng đào tạo nghề nghiệp (theo quy định của Luật GDNN) giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp (theo quy định của Luật GD). Vì vậy trung tâm GDNN-GDTX được thực hiện chương trình GDTX cấp THPT như trung tâm GDTX. Cũng vì vậy, căn cứ khoản 3 Điều 45 của Luật Giáo dục 2019, Trung tâm GDTX (bao gồm cả trung tâm GDNN-GDTX) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là hợp lý và phù hợp với các điều khác của Luật Giáo dục 2019.

Theo báo cáo thống kê của các Sở GD&ĐT, trong năm học 2020-2021, quy mô và số lượng các Trung tâm GDTX trên cả nước là 645 trung tâm (trong đó trung tâm GDTX cấp tỉnh là 71; Trung tâm GDNN-GDTX là 574). Số học viên đang theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX trên cả nước là 261.077 học viên. Với quy mô như vậy, việc đáp ứng yêu cầu của người học là đảm bảo.

Và như thế, căn cứ các quy định của pháp luật, các cơ sở GDNN không có chức năng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT. Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT chưa có quy định cho phép các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT. Các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khối lượng kiến thức văn hóa THPT dạy trong trường nghề phải phù hợp với ngành nghề đạo tạo của học sinh và đủ để học sinh theo học trình độ cao hơn ở giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, Bộ GD&ĐT không đưa ra khối lượng kiến thức tương đương với chương trình THPT/chương trình GDTX cấp THPT để có thể dự thi tốt nghiệp/cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Theo đó, đối với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu chỉ có nhu cầu học khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng, các trường trung cấp, cao đẳng tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa này theo quy định và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng theo quy định;

Ngoài ra, với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu có nguyện vọng đồng thời học Chương trình GDTX cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT, các trường trung cấp, cao đẳng phải phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX để các trung tâm chủ trì việc tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo chất lượng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trước đó, Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS và học trong các cơ sở GDNN.

Này 16-10-2020, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 4066/LĐTBXH-TCGDNN về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT được tiếp tục giảng dạy văn hóa THPT cho người học của trường mình.

Trong Công văn số 4656/BGDĐT-GDtrH trả lời Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý để các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng. Bộ GD&ĐT không đồng ý để các trường giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn khi dạy văn hóa trong trường nghề Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn khi dạy văn hóa trong trường nghề

Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung ...

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động