Bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ kỹ năng theo dõi THPL cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ THPL trên địa bàn TP. |
Năm 2022, UBND TP Hà Nội xác định 03 lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm: Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 (Sở LĐTB&XH chủ trì); về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (Sở TN&MT chủ trì); về quản lý, sử dụng nhà chung cư (Sở Tư pháp chủ trì).
Cùng với đó, Sở Tư pháp ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP và tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại Sở Xây dựng và UBND các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết 10 năm thi hành Nghị đinh 59/2012/NĐ-CPNĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 15/8/2022 về tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Trên cơ sở kế hoạch của UBND TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành đã ban hành kế hoạch và tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 59/NĐ-CP theo kế hoạch của Bộ Tư pháp.
Theo Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, năm 2022 Hà Nội đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP, cho thấy công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP đã dần đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định.
UBND TP Hà Nội đã có nhiều báo cáo, kiến nghị đến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp trong thi hành pháp luật, từng bước cải tiến việc tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp từng bước đáp ứng yêu cầu của công việc, Lãnh đạo sở, ban, ngành TP và UBND các cấp đã nhận thức được vai trò, hiệu quả của công tác này trong thi hành và hoàn thiện pháp luật.
Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, vẫn coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên chưa thật sự quan tâm triển khai đầy đủ đến các bộ phận, phòng, ban ngành khác thuộc thẩm quyền quản lý.
Việc tham gia các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật chủ yếu là cung cấp thông tin khi được cơ quan Tư pháp thuộc UBND các cấp đề nghị. Kết quả theo dõi thi hành pháp luật chưa chỉ rõ được những bất cập, mẫu thuẫn của pháp luật từ thực tiễn thi hành. Một bộ phận cán bộ công chức được giao thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa nắm rõ được kỹ năng triển khai thực hiện nên chưa chủ động tham mưu, đề xuất để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Để nâng cao hiệu quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thời gian tới trên địa bàn TP, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Sở Tư pháp Hà Nội cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật cho các cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác này.
Do đó, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại các đơn vị trên địa bàn TP.
Vào ngày 10/3 vừa qua, hơn 200 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành phát luật trên địa bàn TP đã được bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp phổ biến nghiệp vụ kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật tại hội nghị tập huấn.
Trong đó, có văn bản pháp luật: Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/07/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2023 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Thông tư 14/2014/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành; Thông tư 04/2021/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định 32/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BTP quy định về chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đề nghị các cán bộ dự hội nghị tập trung tiếp nhận đầy đủ kiến thức tập huấn, chủ động tham mưu lãnh đạo đơn vị triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này trong thời gian tới. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại