Thứ hai 25/11/2024 20:46

Bộ trưởng Bộ Công an lý giải vì sao cần cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 17/3, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an lý giải vì sao cần cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp về sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sau khi ban hành Luật Căn cước công dân đã có nhiều văn bản của Đảng được ban hành, chỉ đạo rất cụ thể về quản lý xã hội và phục vụ Nhân dân. Điển hình như Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc.

Ngoài ra, Văn kiện Đại hội Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cho các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông các hệ thống cơ sở dữ lớn; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý…

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, triển khai Chính phủ điện tử, sửa Luật Căn cước công dân giúp phục vụ ngành giáo dục có thông tin về số lượng trẻ trong độ tuổi đi học, phục vụ tốt cho các kỳ thi của học sinh… việc tích hợp thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm thủ tục hành chính trong việc nhập học của học sinh. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 100% công dân giao dịch trên môi trường điện tử như Văn kiện Đại hội Đảng đề ra, thì việc sửa đổi luật là rất cần thiết.

Về việc cần thiết làm căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: "Bộ Công an phải cung cấp cho Bộ GD&ĐT số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em, từ đó tính toán hệ thống đào tạo giáo dục và cư trú, bao nhiêu trẻ em đang cư trú có hoặc không có hộ khẩu đang tạm trú tại địa bàn. Đây là số liệu phục vụ rất tốt cho các kì thi. Chúng ta kêu gọi (xây dựng) Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ (đăng ký) điện thoại, sim điện thoại phải có căn cước, thế các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay bố mẹ đăng ký để con dùng?

Hiện tại, trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và hộ chiếu ngay, nhưng những giấy tờ này không chứng minh được người giám hộ. Liên quan đến Giấy khai sinh, đã có nhiều trường hợp phát sinh như cha mẹ mượn giấy khai sinh của trẻ khác có thông tin tương đồng, có gia đình khai mất giấy khai sinh… gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em cũng rất thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước: Trẻ em đi lạc, hoặc gặp sự cố nhưng không có giấy tờ thì không biết là ai… Nếu hoàn thiện được việc này có thể xác định được ngay từ những việc như tìm trẻ lạc. Đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để “khoảng trống” khi có những đối tượng không có giấy tờ gì”.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động