Báo động tình trạng phá rừng tại huyện Bá Thước… từ những con số “biết nói”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong khi dư luận chưa kịp lắng xuống trước thông tin về việc “báo cáo sót” 16 cây gỗ bị khai thác trái phép tại làng Đô, xã Thiết Ống của lực lượng Kiểm lâm huyện Bá Thước thì các vụ phá rừng mới lại liên tiếp xảy ra ở làng Nán (xã Thiết Ống), làng Kế (xã Thiết Kế), Lương Nội…
Gốc cây cổ thụ có đường kính hơn 100cm bị đốn hạ |
Sau khi bài viết “Thanh Hóa: Hạt kiểm lâm Bá Thước báo cáo “sót" 16 cây gỗ bị khai thác trái phép?” đăng trên báo Pháp luật & Xã hội số ra ngày 3-3-2020, phóng viên liên tục nhận được điện thoại phản ánh từ phía người dân về tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn huyện Bá Thước.
UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định số cây gỗ bị đốn hạ trên diện tích rừng được giao khoán cho hộ ông Tùng tại làng Đô, xã Thiết Ống. Kết quả, có đến 45 cây gỗ bị đốn hạ, tổng khối lượng gỗ đã bị đưa ra khỏi rừng là hơn 6m3, tại hiện trường chỉ còn trơ trọi những gốc cây cổ thụ đang rỉ “máu”…
Mục sở thị công trường khai thác gỗ trái phép
Khoảng 7g sáng 10-3, nhóm phóng viên có mặt tại trung tâm huyện Bá Thước. Theo chỉ dẫn của người phản ánh thông tin, chúng tôi tìm đến xã Thiết Kế. Trong vai những người đi sưu tầm lan rừng, chúng tôi đi bộ sâu vào khu rừng già nguyên sinh.
Men theo con đường nhỏ nối từ làng Cha đến làng Kế, xã Thiết Kế, nơi còn nhiều cây gỗ lâu năm, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, chúng tôi thấy những vết kéo gỗ còn hằn trên mặt đất, những mảng cây bị rạp xuống theo đường di chuyển của gỗ.
Quan sát những mốc đánh dấu trên thân cây (do lâm tặc phát để đánh dấu đường), những tàn tích để lại như vỏ chai nước và bằng kinh nghiệm đi rừng, cuối cùng người dẫn đường cũng đưa chúng tôi đến được công trường khai thác của “lâm tặc”.
Cảnh tượng hoang tàn tại một góc rừng nguyên sinh |
Theo ghi nhận từ việc đo đạc, chúng tôi phát hiện những gốc cây có đường kính từ 30-80 cm đã bị đốn hạ, phần gỗ thịt đã bị đưa ra khỏi rừng, chỉ còn lại những đống mùn cưa, gốc và nhánh cành…
Người dân bản địa chia sẻ, hiện tượng khai thác rừng trái phép vẫn thường xuyên diễn ra, lực lượng kiểm lâm cũng có vào kiểm tra nhưng rồi đâu lại vào đấy.
“Thực tế, cứ khi nào lâm tặc phá rừng xong thì lực lượng kiểm lâm mới vào kiểm tra và đánh dấu, chẳng bao giờ bắt quả tang vụ nào. Mà số gỗ đã đưa ra khỏi rừng thì không biết đã đi đâu về đâu. Phần lớn những cây gỗ lớn, có giá trị như nghiến, sến…là điểm nhắm đến của cánh lâm tặc”, người dẫn đường cho chúng tôi kể.
Những đống mùn cưa còn tươi rói, chứng tỏ việc khai thác gỗ vừa mới diễn ra |
Tiếp tục di chuyển theo con đường độc đạo kéo đến cuối làng Kế, chúng tôi kiểm đếm được hàng chục cây gỗ có đường kính từ 50-80 cm bị đốn hạ không thương tiếc.
Không chỉ để xảy ra tình trạng phá rừng liên tiếp mà trên địa bàn huyện Bá Thước vẫn còn tình trạng đốt rừng tự nhiên tái sinh. Tại làng Nán có những gốc cây gỗ đã bị chặt, đốt đen đầu, trơ trọi lại phần gốc. Trong đó có nhiều cây gỗ có đường kính từ 20-50 cm đã bị chặt hạ, cưa khúc, chất đống để phía dưới lòng đường và một phần bị thu giữ tại UBND xã Thiết Ống.
Hạt trưởng hạt Kiểm lâm chưa nắm hết tình hình phá rừng
Ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước cho biết: “Do địa hình rộng, kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền không có nên công tác tuyên truyền còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập tính của người dân bản địa là lên rừng lấy củi, lấy gỗ về sửa sang nhà cửa vẫn còn nên trên địa bàn quản lý vẫn còn xảy ra tình trạng đốt, phá rừng…”
Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Bá Thước tỏ ra khá bất ngờ trước hình ảnh phá rừng mà phóng viên cung cấp... bởi nó nằm ngoài báo cáo |
Là Hạt trưởng nhưng ông Ngợi không cung cấp được số liệu chính xác số vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay cho phóng viên vì 2 cán bộ pháp chế vắng mặt tại cơ quan. Tuy nhiên, ông Ngợi cũng liệt kê một số vụ vi phạm điển hình như: Tại làng Kế, xã Thiết Kế xảy ra 2 vụ vào tháng 1-2020. Đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra đối tượng khai thác rừng trái phép nên cơ quan chức năng hiện mới làm việc được với chủ rừng.
Cụ thể, tại đây có 1 hộ bị khai thác 4 cây gỗ gây thiệt hại 1,66m3 và 1 hộ bị khai thác 7 cây gỗ gây thiệt hại 4,8 m3. Sau khi phát hiện đã thu giữ được hơn 1m3 gỗ. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm Bá Thước cũng tiến hành bắt giữ 1 vụ vận chuyển 0,269m3 gỗ vàng tâm xảy ra vào tháng 1-2020 và tiến hành xử phạt 10 triệu đồng, tịch thu tang vật…
Được biết, sau buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, Huyện ủy Bá Thước đã có chỉ đạo đối với Hạt kiểm lâm huyện cần chấn chỉnh lại công tác chỉ đạo điều hành của đơn vị; tăng cường việc xây dựng nội bộ đoàn kết, nêu cao tính gương mẫu, đặc biệt là đối với người đứng đầu…
Bên cạnh đó Huyện ủy Bá Thước nhận định: An ninh rừng trên địa bàn huyện cuối năm 2019 và trong những tháng đầu năm 2020 vẫn chưa có sự ổn định; tình trạng khai thác rừng, xâm lấn rừng, phá rừng tự nhiên, cất giữ sản phẩm động vật rừng trái phép vẫn còn xảy ra, để các cơ quan báo chí phản ánh gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước đó, liên quan đến việc để xảy ra khai thác rừng trái phép trên địa bàn huyện Bá Thước vào cuối năm 2019, tháng 12-2019, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ Kiểm lâm, trong đó có ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng, ông Đào Đình Huy, Phó hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bá Thước phụ trách tuyến, địa bàn và ông Phạm Văn Dũng, Phụ trách trạm kiểm lâm Điền Lư và phụ trách địa bàn xã Điền Thượng đều chịu hình thức cảnh cáo; Ông Mai Văn Am, kiểm lâm viên địa bàn xã Điền Hạ bị khiển trách; Kiểm điểm nghiêm túc tại đơn vị, xem xét đánh giá hạ mức hoàn thành nhiệm vụ và xếp loại công chức năm 2019 đối với ông Nguyễn Thế Vinh (Kiểm lâm Bá Thước), Nguyễn Thành Văn (Tổ trưởng Kiểm lâm cơ động số 2).
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại làng Kế (xã Thiết Kế) và làng Nán (xã Thiết Ống), huyện Bá Thước:
Những gốc cây mới bị đốn hạ đang còn "rỉ máu" |
Diện tích rừng tự nhiên tái sinh bị chặt, đốt để lấy gỗ |
Nhiều khúc gỗ nằm la liệt hai bên đường... không rõ nguồn gốc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại