Băn khoăn trước thời điểm thu phí không dừng tất cả các tuyến cao tốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau hơn 3 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về triển khai thu phí không dừng, đến nay, đã có 676 làn đường lắp ETC, hiện còn 141 làn chưa triển khai ETC |
Vẫn còn nhiều tuyến cao tốc chưa lắp đặt xong thu phí không dừng
Từ ngày 1/8, muốn lưu thông trên các tuyến cao tốc (thu phí tự động trên toàn quốc), các phương tiện sẽ phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối hay dán thẻ thu phí tự động ETC, nếu vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Cụ thể, theo Điểm c khoản 4 và Điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 1/8, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, TP xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn, kết nối liên thông.
Tuy vậy, 3 tuyến lớn do Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam vẫn đang gấp rút hoàn thành lắp đặt thu phí điện tử không dừng là tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, đến hết tháng 6, đã thực hiện thu phí không dừng tại 113/141 trạm (đạt hơn 80%), với tổng cộng 603/817 làn (đạt 73,8%). Riêng tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được khai trương dịch vụ thu phí tự động không dừng từ chiều 22/7.
Trước việc một số trạm thu phí chưa triển khai thu phí điện tử không dừng, Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xử lý xong trước 31/7.
Trạm triển khai chậm, BOT sẽ bị xử lý ra sao?
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cũng đã yêu cầu, thu phí tự động phải có phương án xử lý các sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành khai thác, giảm thiểu xung đột gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu không triển khai thì trạm BOT sẽ bị xử lý ra sao, hoặc xe qua trạm với đầy đủ điều kiện nhưng bị lỗi phải dừng thì trạm thu phí có phải chịu trách nhiệm gì, có bị xử lý? Rõ ràng, chủ trương thu phí không dừng đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm. Nhiều lời hứa đã được đưa ra, nhưng nhưng những gì thấy trên các tuyến cao tốc vẫn là lối thu phí thủ công, hệ lụy nổi bật nhất là việc ùn tắc ở hai đầu trạm thu phí cũng như làm giảm tốc độ xe lưu chuyển trên đường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trên cả nước đang có 817 làn thu phí BOT đường bộ cần lắp ETC. Sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về triển khai thu phí không dừng, đến nay, đã có 676 làn đường lắp ETC, hiện còn 141 làn chưa triển khai ETC. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đến 31/7/2022 toàn bộ làn đường tại các trạm thu phí trên sẽ được lắp đặt ETC. Với các trạm cần thiết phải duy trì làn thu phí hỗn hợp (thu tiền mặt), Bộ GTVT cũng có chủ trương chỉ duy trì 1 làn duy nhất.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng GĐ Tổng Cty VEC cho biết, tuyến Nội Bài - Lào Cai dự kiến sử dụng vào 28/7, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 28/7, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 26/7.
Một vấn đề được nhiều người đặt ra, tính đến tháng 7/2022, số lượng xe dán thẻ thanh toán điện tử không dừng ETC đã là 3,2 triệu xe, chiếm 71% tổng lượng ô tô trên cả nước (4,5 triệu xe). Theo tính toán, chỉ cần mỗi xe nộp ít nhất 100 nghìn đồng trong tài khoản thì số tiền được nộp vào tài khoản ETC của các DN cung cấp dịch vụ sẽ là 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản ETC nhưng không hề được tính lãi suất. Trong khi đó, nếu người dân để tiền trong tài khoản ATM của ngân hàng đều được tính lãi suất từ 0,5% -2%/năm. Nghĩa là DN cung cấp dịch vụ ETC đang huy động được nguồn vốn rất lớn từ các chủ xe mà không phải trả một đồng tiền lãi nào.
Hiện trên thị trường có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (Cty TNHH thu phí tự động VETC) và VDTC (thuộc Viettel). Hai đơn vị này sẽ quản lý các trạm thu phí không dừng và phát hành thẻ để dán trên ôtô. Các phương tiện có thể thực hiện việc gắn thẻ thu phí không dừng tại: - Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất - Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền - Ngay khi qua trạm thu phí ETC Khi đến điểm dán thẻ thu phí không dừng ở bất kỳ đâu, chủ xe cũng cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như sau - Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu là chủ DN - Giấy đề nghị mở tài khoản theo form mẫu có sẵn trên website/ app ePass hoặc biểu mẫu đăng ký tại các điểm làm thẻ của VDTC - Số CV/QĐ (nếu là cơ quan Nhà nước) - CMT/ Thẻ căn cước/ Hộ chiếu (người đại diện hoặc người được ủy quyền): Bản photo hoặc bản sao công chứng còn hiệu lực. - Giấy ủy quyền (nếu không phải là người đại diện). - Đăng ký xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. - Đăng kiểm xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. - Giấy vay ngân hàng: nếu là xe trả góp cần có xác nhận từ phía ngân hàng. Ngoài ra, các chủ phương tiện có thể thực hiện đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Cty CP Giao thông số Việt Nam hoặc thẻ e-Tag của VETC của Cty TNHH thu phí tự động VETC. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại