Thứ hai 25/11/2024 10:01
Dân vận khéo - “Lạt mềm buộc chặt”:

Bài cuối: Hòa giải viên góp phần giữ vững ổn định của địa phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư.
Bài 5: Nâng cao vai trò của hòa giải viên trong xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền địa phương
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL TP phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì cho biết, thực hiện chương trình công tác của UBND Thành phố Hà Nội, Huyện ủy Ba Vì về nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2023, UBND huyện Ba Vì đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành các mặt hoạt động lĩnh vực tư pháp.

Theo đó, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng Kế hoạch triển khai cuộc thi hòa giải ở cơ sở; ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức cuộc thi, thể lệ cuộc thi. Hiện tại, UBND huyện Ba Vì đã thành lập Ban giám khảo cuộc thi để lựa chọn video gửi về Ban Tổ chức cuộc thi thành phố Hà Nội theo đúng tiến độ.

Trong thời gian vừa qua, việc mâu thuẫn tranh chấp trong Nhân dân chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, vệ sinh môi trường, va chạm xích mích... trong đó số vụ việc về đất đai chiếm tỷ lệ cao. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã hòa giải được 56/68 vụ việc, chiếm tỉ lệ 82,35%. Vẫn còn các vụ việc chưa hòa giải thành, chủ yếu nằm ở lĩnh vực đất đai, khiếu kiện kéo dài.

Ông Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Để thực hiện tốt công tác hòa giải cần kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; công cuộc xây dựng nông thôn mới,nông thôn mới nâng cao, xây dựng khu dân cư sáng xanh sạch đẹp an toàn, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Thực hiện tốt giải pháp này là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư.

Bài cuối: Hòa giải viên góp phần giữ vững ổn định của địa phương
Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì. Ảnh: Công Phương.

“Huyện Ba Vì tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua các hoạt động như thi hòa giải viên giỏi, học hỏi kinh nghiệm.Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải trong đó có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên

Cùng chia sẻ về công tác hòa giải ở cơ sở, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp – Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố cho biết, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 351/KH-UBND ngày 30/12/2022 thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TU ngày 13/9/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tham mưu Thành phố ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 24/3/2023 về tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội dưới hình thức xây dựng video. Cuộc thi được triển khai tới 30/30 quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và Nhân dân về vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, thông qua Cuộc thi để bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã phối hợp tổ chức 12 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 3.000 hòa giải viên ở các huyện, thị xã: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Sơn Tây nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

Đến nay, toàn Thành phố có 4.994 tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên. Hiện, Thành phố đã có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 60,09%). 6 tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã tiếp nhận tổng số 1.639 vụ việc hòa giải, đã tiến hành hòa giải thành 1.334/1.544 vụ việc (đạt tỷ lệ 86,4%) giảm 4,88% so với cùng kỳ năm 2022 (1.460/1.791 vụ việc đạt tỷ lệ 81,52%), 95 vụ việc đang tiến hành hòa giải.
Bài 1: Ở đâu có “rắc rối”, ở đó có cán bộ hoà giải
Bài 2: Hòa giải viên và những câu chuyện về tuyên truyền chính sách
Bài 3: Góp phần củng cố mối đoàn kết toàn dân, phát huy dân vận khéo từ các tổ hòa giải
Bài 4: Công việc "vác tù và" không dễ dàng...
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động