Bài 2: Hòa giải viên và những câu chuyện về tuyên truyền chính sách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Đình Cương - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Công Phương. |
Phải tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật
Là một người có thâm niên hơn 20 năm làm công tác hòa giải cơ sở, ông Nguyễn Đình Cương - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết: Tổ hòa giải thôn 1 được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện, tổ hòa giải thôn 1 có 8 thành viên.
Các hòa giải viên của tổ là những chi hội, trưởng các ban ngành, đoàn thể của thôn gồm: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi… đều được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Nhờ vậy, Tổ hòa giải thôn 1 đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc, mang lại bình yên cho thôn xóm, gắn kết tình cảm trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, ông Cương cũng như các thành viên trong tổ hòa giải vẫn thường xuyên cập nhật chính sách, luật mới để tuyên truyền đến người dân cũng như mỗi buổi hòa giải liên quan đến lĩnh vực nào là các thành viên tổ hòa giải đều phải đọc, giải đáp cho người dân hiểu được.
Cùng chia sẻ về công tác hòa giải, ông Trần Quang Chước, SN 1950, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận dân cư, thành viên tổ hòa giải thôn Rô, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, ông tham gia công tác hòa giải từ năm 1998 và gắn bó với công tác này hơn 20 năm nay.
Để làm tốt công tác hòa giải, người hòa giải viên phải tìm hiểu các quy định của pháp luật, quy định của địa phương để vận động, tuyên truyền cho Nhân dân làm tốt quy định. Nhiều năm nay, tại địa bàn thôn Rô không có tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp. Những mâu thuẫn thường xảy ra đều về lĩnh vực đất đai, tranh chấp ranh giới giữa các hộ gia đình, tranh chấp ngõ đi chung,...
Ông Trần Quang Chước trao đổi cùng các thành viên tổ hòa giải. Ảnh: Công Phương. |
Theo ông Chước, trên địa bàn dân cư, khi có sự việc mâu thuẫn xảy ra, thành viên tổ hòa giải luôn đến gặp gỡ hai bên, lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và tâm tư, nguyện vọng của các bên. Sau đó, thành viên tổ hòa giải sẽ phân tích về mặt pháp luật, cái tình, cái lý cho mỗi bên nghe và từ đó phân tích cái đúng, sai trong mong muốn của mỗi bên.
Nghe hoà giải viên phân tích, nhiều người dân hiểu ra được vấn đề, hiểu được cái đúng, cái sai, cái mình mong muốn nhưng không đúng quy định của pháp luật nên đã nghe theo. Có những gia đình, sau khi nghe thành viên tổ hòa giải phân tích đúng sai đã nghe ra và làm theo, không gây nên mâu thuẫn nữa.
Là cầu nối giữa chính quyền và cơ sở
“Để mọi người nghe theo không chỉ phân tích chuyện đúng sai theo tình và lý, chúng tôi còn phải công tâm giữa các bên thì người dân mới nghe theo. Ngoài ra, các thành viên hòa giải ở thôn đều là những người có uy tín trong khu dân cư, được Nhân dân tín nhiệm nên mọi người nghe lời khuyên bảo, giải tỏa mâu thuẫn”, ông Chước nói.
Ông Chước chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, khu dân cư thôn Rô luôn đảm bảo được yên bình, tình đoàn kết trong khu dân cư được nâng cao, không có mâu thuẫn lớn, tệ nạn đều được giảm đi.
Ông Nguyễn Quang Hội đi vận động người dân di chuyển mộ để giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Công Phương. |
Là hòa giải viên trực tiếp tuyên truyền người dân di chuyển mộ để giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn xã Song Phương, ông Nguyễn Quang Hội (SN 1957, Phó Trưởng thôn 6, hòa giải viên Tổ hòa giải thôn 6, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khi Nhà nước triển khai xây dựng đường Vành đai 4, gia đình ông đã tiên phong gương mẫu chấp hành.
Đồng thời, trên địa bàn Thôn 6 có nhiều ngôi mộ, trong đó có những ngôi mộ tổ của các dòng họ lớn trên địa bàn.Do đó, Đảng ủy, UBND xã đã phân công giao nhiệm vụ cho Chi ủy Thôn 6 lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền vận động các dòng họ, hộ gia đình di dời ngôi mộ để phục vụ cho xây dựng triển khai Vành đai 4. Chi ủy Thôn 6 đã giao nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ hòa giải thôn, phối hợp các chi hội đi tuyên truyền, vận động.
Nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Quang Hội đã năng nổ, nhiệm tình ngày đêm, tuyên truyền thuyết phục những hộ gia đình, cá nhân, các dòng họ trên địa bàn thực hiện việc di dời.
Lúc đầu có một số hộ dân còn băn khoăn, lo lắng, xong với sự giải thích của ông Nguyễn Quang Hội, các hộ gia đình, cá nhân đã di dời mộ phần xong sớm hơn dự tính. Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ, không thể không nói đến người hòa giải viên luôn nỗ lực, trách nhiệm đối với công việc vận động, tuyên truyền người dân di chuyển phần mộ là ông Nguyễn Quang Hội.
Tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở xã. Nhận thức được đúng tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở, UBND xã đã kiện toàn và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn xã hàng năm. Hiện nay, trên địa bàn xã có 08 tổ hòa giải, 52 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân, cá nhân trên địa bàn xã qua đó góp phần làm ổn định tình hình, giảm đơn thư khiếu kiện, qua đó giữ được tình cảm đoàn kết trong gia đình, thôn, xóm. 6 tháng đầu năm 2023, các tổ hòa giải của các đơn vị đã tổ chức hòa giải thành 15 vụ việc tại khu dân cư, trong đó có 11 vụ việc liên quan đến xây dựng, đất đai, ngõ đi chung; 4 vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình. Ngoài ra các tổ hòa giải cũng tích cực cùng UBND xã tổ chức những vụ việc hòa giải phức tạp tranh chấp về thừa kế, đất đai theo quy định của Luật đất đai, trong đó hòa giải thành tại UBND xã 03 vụ, 02 vụ hướng dẫn công dân liên hệ Tòa án Nhân dân giải quyết theo quy định. |
Bài 1: Ở đâu có “rắc rối”, ở đó có cán bộ hoà giải Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả và hòa giải viên đang là cầu nối giúp giữ gìn bình yên ở ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại