Thứ năm 25/04/2024 14:34
Livestream không phải chuyện đùa:

Bài cuối: Dọn “rác” livestream trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Streamer Nguyễn Phương Hằng, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… sau một thời gian đình đám livestream trên mạng xã hội đều đã bị khởi tố hoặc xử lý theo quy định. Tuy nhiên, những vụ việc trên cũng vẫn chỉ là bề nổi của tảng bang chìm của “rác” livestream trên môi trường mạng xã hội.
Bài cuối: Dọn “rác” livestream trên mạng xã hội
CEO Nguyễn Phương Hằng sau một thời gian đình đám livestream trên mạng xã hội đã bị khởi tố

Không chỉ đến Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố người ta mới xôn xao, ồn ào lên câu chuyện vi phạm pháp luật của các streamer. Trước đó, đã có rất nhiều cơ quan báo chí truyền thông lên tiếng về các livestream “bẩn” của các tài khoản dùng mạng xã hội. Ngoài việc chửi bới, thách thức, lăng mạ… nhau trên mạng xã hội, nhiều đối tượng còn dùng livestream để lan truyền mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.

Lạ một điều, mặc dù biết điều đó là phạm pháp vậy nhưng không chỉ các streamer mà cả những người theo dõi các buổi live ấy đều rất hồn nhiên theo dõi, chia sẻ thậm chí cổ vũ. Có thể thấy, hầu hết các livestream được theo dõi, chia sẻ… nhiều có rất nhiều là những buổi livestream có nội dung dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.

Lý giải điều này, theo các chuyên gia, một số người háo danh hơn trên không gian mạng. Việc không ít người cố tìm các chiêu trò để lôi kéo sự chú ý của người khác nhằm thể hiện cái tôi khác người trên mạng xã hội là một minh chứng. Mạng xã hội thỏa mãn “cơn khát hào quang” cho họ, cũng thỏa mãn việc được tự do bình luận, được tự do phán xét – một quyền năng của Tòa án. Đặc biệt, việc được thể hiện trên mạng xã hộ dễ tạo cho người dùng được hưởng cảm giác có quyền lực, mặc dù đó chỉ là một thứ quyền lực ảo. Vụ việc của CEO Nguyễn Phương Hằng là một minh chứng cho việc này.

Mạng xã hội là một xu thế tất yếu nếu biết sử dụng sẽ rất hiệu quả, luật sư Hoàng Văn Doãn – Đoàn Luật sư Hà Nội quan điểm. Theo ông, trên mạng xã hội, nhiều cá nhân đã thể hiện tinh thần độc lập, thể hiện suy nghĩ đa chiều của mình khi sử dụng mạng xã hội. Điều này rất quan trọng vì điều đó sẽ giúp họ không bị lôi kéo vào những cuộc livestream “rác”. “Tuy nhiên, để có được điều đó người sử dụng bắt buộc phải có một sự hiểu biết nhất định về các quy định, chế tài của luật pháp, bên cạnh đó cần nỗ lực học tập, trau dồi những giá trị văn hóa…” – luật sư Doãn phân tích.

Mạng ảo nhưng hậu quả thật, luật sư Doãn cũng đồng tình với nhận định đó. Ông đưa ra cảnh báo, trong Hiến pháp cũng như Luật đều đã quy định rất rõ cái được làm và không được làm. Tự do ngôn luận, bất kỳ ai cũng có quyền đó. Nhưng tự do ngôn luận khác với việc thực hiện quyền ấy một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước.

“Nếu vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội "Vu khống"; "Làm nhục người khác"; "Chuyển hoặc đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông"; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...”, luật sư Doãn nói.

Về việc “dọn rác” trên mạng xã hội, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ngoài việc chế tài xử lý chưa nghiêm, cũng như luật pháp cũng như các cơ quan chức năng còn có nhiều lỗ hổng trong việc quản lý cũng như kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại các lỗ hổng trong giáo dục.

“Việc chửi bới, sung sướng khi nghe người khác bị nhục mạ hoặc hả hê khi thấy một ai đó bị bới móc đời tư là tín hiệu áo động về sự băng hoại về đạo đức. Vậy nên, ngoài việc cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cũng cần giáo dục không chỉ cho giới trẻ, mà thậm chí còn củng cố lại những giá trị nhân văn, văn hóa cho cả những người trưởng thành khi tham gia mạng xã hội”, luật sư Hùng bày tỏ.

Để xử lý "rác" livestream trên mạng xã hội, theo luật sư Hùng, việc Chính phủ nhanh chóng phê duyệt dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Bộ TT&TT sẽ là một công cụ hữu hiệu để các cơ quan chức năng dẹp “rác” trên không gian mạng.

“Dự thảo đã bổ sung các nghĩa vụ cụ thể đối với cá nhân, tổ chức thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên trong một tháng (số liệu thống kê trong thời gian sáu tháng liên tục) từ 100.000 người trở lên.

Đồng thời Dự thảo quy định việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông như sau: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với video phát trực tuyến (livestream), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 03 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông”, luật sư Hùng dẫn chứng.

Như vậy, nếu quyết liệt làm, chắc chắn sẽ ngăn chặn những ẩn hoạ từ "rác" văn hóa ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, lời luật sư Hùng.

Bài 3: Mạng ảo – hậu quả thật Bài 3: Mạng ảo – hậu quả thật
Bài 2: Các buổi livestream thăng cấp và biến tướng Bài 2: Các buổi livestream thăng cấp và biến tướng
Bài 1: Livestream và quyền lực ảo Bài 1: Livestream và quyền lực ảo
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động