Thứ hai 20/05/2024 00:02
1001 nỗi lo của phụ huynh khi vào năm học mới:

Bài 2: Nặng gánh việc mua thiết bị học cho con

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Học trực tuyến, có nghĩa là phải có phương tiện. Trong giai đoạn rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn do hậu quả từ dịch Covid-19, để có phương tiện cho con học cũng là một gánh nặng tài chính.

Anh Phan Bá Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) vốn chạy xe công nghệ, bởi tình hình dịch giã diễn biến phức tạp nên từ năm ngoái đến nay công việc cũng như thu nhập của anh rất bấp bênh. Vợ anh thì làm nhân viên của một spa cũng trên địa bàn huyện Gia Lâm, từ 2 tháng nay hoàn toàn không có thu nhập. Hai vợ chồng có một cậu con trai năm nay lên lớp 4, trước tình hình con sẽ tiếp tục phải học online, anh Hồng rất lo lắng.

Bài 2: Nặng gánh việc mua thiết bị học cho con
Phương tiện để trẻ học trực tuyến cũng khiến phụ huynh đau đầu

Qua hơn 1 năm học online vừa rồi, anh cho rằng để mà bọn trẻ có thể học tốt nhất khi không đến lớp, phương tiện để phục vụ học online bắt buộc phải là máy tính. Bởi lẽ theo anh, có máy tính mới đáp ứng đủ tiện ích, độ rộng cũng như đủ để con có thể nhìn và theo dõi đầy đủ bài giảng của cô giáo. Điều đó có nghĩa phải mua một chiếc máy tính. “Giờ nếu mua máy mới rẻ cũng trên dưới 10 triệu, còn máy cũ thì cũng phải 5, 6 triệu mới đáp ứng được việc cho con học. Vài ba tháng qua thu nhập không có, nợ ngân hàng mỗi lần đến kỳ hai vợ chồng lại xoay xở đủ cách. Nói thật đôi lúc nhà còn không đủ tiền để mà mua gạo, nói gì đến chuyện mua một chiếc máy tính cho con.” – anh Hồng ngán ngẩm.

Nỗi lo lắng của anh Hồng cũng không ít. Với nhiều gia đình, việc để tạo điều kiện cho con học online có nghĩa là bố mẹ phải nhường máy cho con. Nhưng với gia đình chị Nguyễn Ngọc Bích (Đội Cấn, Ba Đình) có tới 3 con đang trong tuổi học, phương tiện để con học online luôn khiến anh chị đau đầu trong gần một năm vừa qua.

“Nhà vốn có 1 đứa lớp 4, một đứa lớp 7 hai năm vừa qua đã hết dùng máy tính của bố đến dùng điện thoại của mẹ để học online, năm nay lại thêm cô em út vào lớp 1 cũng trực tuyến. Mà sau quãng thời gian vừa rồi, việc học trên điện thoại sẽ rất bất cập, nên chí ít cũng phải có thêm một cái máy tính cho bọn trẻ. Và nếu việc học trực tuyến tiếp tục kéo dài, cả nhà sẽ rất lao đao chỉ vì câu chuyện phương tiện bố làm – con học.” – chị Bích cho biết.

Đấy là chưa tính đến chuyện không được may mắn có nhà cao cửa rộng, nhà của chị chỉ vẻn vẹn gần 20m2. Ngoài gác xép để ngủ, thì hầu như toàn bộ sinh hoạt của gia đình chỉ diễn ra ở dưới tầng 1. Vậy giờ với 3 đứa con cùng học, sẽ sắp xếp thế nào và kèm cặp ra sao? Nếu có người ở nhà để mà nhòm ngó thì còn đỡ, chứ nếu bố mẹ phải đi làm thì bọn trẻ liệu có tập trung học, hay được vài phút lại quay sang cấu chí, đùa nghịch với nhau?!

Thế nhưng 20m2 của nhà chị Bích vẫn còn may mắn hơn chị Nguyễn Thị Đức (Đông Anh, Hà Nội), bởi gia đình chị có 2 con tới đây đều học online. Hai vợ chồng đều là công nhân, trọ ở một căn phòng trọ với diện tích vẻn vẹn 12m2, chị đang không biết phải xoay xở ra sao. Đó còn là chưa nói đến các việc khác như lắp đặt internet, tiền mua máy móc để học…

“Sau thời gian học online đợt vừa rồi, lớp của con trai tôi vốn đã nhiều đứa đã phải đeo thêm cái kính cận. Vậy tiếp tục học online như vậy, đôi mắt vốn non nớt của bọn trẻ có tiếp tục yếu đi, và sẽ có thêm bao nhiêu đứa mắc bệnh về mắt nữa.” – anh Nguyễn Anh Dũng (Thanh Xuân) lo ngại. Theo anh, khi trẻ em xem tivi nhiều hơn 2 giờ đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới màn hình dưới 3 mét sẽ làm thị lực suy giảm rất nhanh. “Ngay cả khi không dùng thiết bị điện tử, thì việc ở trong nhà với không gian hẹp quá lâu, tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Nói gì đến tới đây, bọn trẻ con sẽ lại tiếp tục dán mắt vào màn hình máy tính ngày vài ba tiếng đồng hồ để học.” – anh Dũng nói.

(Còn nữa)

Bài 1: Để có thể học trực tuyến, trẻ phải có những kỹ năng nhất định Bài 1: Để có thể học trực tuyến, trẻ phải có những kỹ năng nhất định

Trái với tâm lý háo hức thường có của các phụ huynh có con đến tuổi học lớp 1 như mọi năm, năm nay, phần ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động