Thứ bảy 04/05/2024 09:34

“Bậc thầy luyện giọng” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng qua đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghệ sĩ Nam Anh - người vẫn được ví là "bậc thầy luyện giọng" của nhiều nghệ sĩ Việt vừa qua đời ngày 20/10.
“Bậc thầy luyện giọng” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng qua đời
Nghệ sĩ Nam Anh là người thầy truyền lửa cho rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng

Nghệ sĩ Nam Anh qua đời tại BV Nhân dân Gia Định (TP HCM) sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 59 tuổi. Lễ viếng nghệ sĩ Nam Anh diễn ra từ 14h ngày 21/10 tại chùa Ấn Quang (quận 10, TP HCM). Lễ di quan diễn ra vào 6h ngày 24/10, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Nghệ sĩ Nam Anh là người từng truyền lửa cho nhiều sao Việt. Ông có 40 năm gắn bó với ngôi trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, là giảng viên bộ môn Tiếng nói sân khấu. Rất nhiều sao Việt từng là học trò của ông như Việt Hương, Đại Nghĩa, Thu Trang, Đức Thịnh, Thanh Thúy, Ốc Thanh Vân, Tiết Cương,…

Sự ra đi của nghệ sĩ Nam Anh khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và khán giả vô cùng thương tiếc. NSND Hồng Vân chia sẻ: "Vĩnh biệt người anh cùng lớp đạo diễn khóa 8 trường Nghệ thuật sân khấu. Mong anh về với Phật".

MC Đại Nghĩa có nhiều kỷ niệm với người thầy từng dạy những bài học vỡ lòng của bộ môn Tiếng nói sân khấu từ ngày anh bước chân học nghệ thuật. Theo Đại Nghĩa, số học trò thành danh của nghệ sĩ Nam Anh phải tính đến hàng trăm người nhưng cố nghệ sĩ không bao giờ khoe khoang công lao dạy dỗ. "Thầy vẫn miệt mài với đám học trò mới toanh, mặt mũi ngơ ngác non choẹt với những bài dạy được đổi mới qua từng ngày cho phù hợp với thế hệ mới", Đại Nghĩa chia sẻ.

Trong mắt Đại Nghĩa, nghệ sĩ Nam Anh là người thầy nghiêm khắc nhưng nhờ đó mà anh đã có được những thành tựu như ngày hôm nay. Để sau này, khi cũng là một người thầy, Đại Nghĩa gần như bê nguyên những gì ngày xưa thầy mình đã dạy để truyền lại cho học trò.

Điều Đại Nghĩa còn trăn trở là nghệ sĩ Nam Anh luôn từ chối mỗi khi học trò ngỏ lời giúp đỡ. ''Thầy là người biết đủ và luôn từ chối những lời đề nghị hỗ trợ từ học trò. Khi tôi đề nghị hỗ trợ thầy để cuộc sống của thầy được tiện nghi hơn, thầy nhẹ nhàng từ chối dù tôi và những học trò khác luôn tha thiết được làm điều gì đó cho thầy'', Đại Nghĩa kể.

Đại Nghĩa xúc động, chia sẻ thêm: "Còn bao nhiêu những kỷ niệm về thầy mà không thể nào kể hết. Vì sao bao năm tháng trôi qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác được thầy đào tạo dù có bay cao đến đâu đi nữa thì vẫn luôn kính quý thầy như những ngày đầu còn bỡ ngỡ. Điều đó có lẽ ai cũng hiểu. Em xin cúi đầu thành kính tiễn biệt thầy, một trong những người thầy mà em biết ơn suốt đời".

“Bậc thầy luyện giọng” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng qua đời
Nghệ sĩ Nam Anh làm nghề nghiêm túc, có công lao đào tạo nhiều nghệ sĩ

NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: "Hồi đó học thầy một học kỳ, đến giờ hơn 20 năm nhưng vẫn nhớ cái miệng luôn vo thiệt tròn những chữ phát ra, những câu lẹo lưỡi đầu tiên của thầy tập cho".

Hạnh Thúy nhớ mãi sự nghiêm khắc của nghệ sĩ Nam Anh đã thúc đẩy sự cố gắng của những học trò. "Các em học trò sẽ mất đi một người thầy nghiêm khắc, khó tính và luôn muốn đẩy các sinh viên đến sự chuyên nghiệp cao nhất. Giờ thì thầy đi xa. Sáng sáng, hết thấy thầy đầu đội nón, đeo kính đen, râu dài như bụt, mặc đồ rất điệu đi vào trường. Hết nghe thầy kể từng "ác" như thế nào để các học trò phải tập nói tròn vành rõ chữ. Chào thầy ạ", Hạnh Thúy bày tỏ.

Đạo diễn Đỗ Thành An cũng cho biết hoàn cảnh cuối đời của nghệ sĩ Nam Anh rất khó khăn. Ông sống nhà thuê, không người thân. Hiện các con nuôi và một số học trò đứng ra lo liệu tang lễ cho ông.

"Kính tiễn thầy tôi, người truyền lửa nghề cho nhiều thế hệ nghệ sĩ. Ai rồi cũng lần cuối lên tàu "về nhà" nhưng thầy đi đột ngột quá… Thầy dạy cho tôi và rất nhiều nghệ sĩ đã và đang thành danh nổi tiếng, nhưng cái tôi học nhiều nhất của thầy là một ngọn lửa yêu nghề mãnh liệt và kiên trì không bỏ cuộc... Thầy sống mãi trong tim con cùng ngọn lửa đó", Đỗ Thành An chia sẻ.

Đạo diễn Đỗ Công Ninh viết: "Vĩnh biệt một người bạn, một đồng nghiệp, một nghệ sĩ. Sẽ nhớ Nam Anh nhiều. Mong bạn sớm siêu thoát".

Diễn viên Ngọc Lan cho biết cô đăng ký học lớp lồng tiếng ở một trung tâm điện ảnh và biết nghệ sĩ Nam Anh từ đó. Cô ấn tượng với hành trình nỗ lực nghệ sĩ Nam Anh, dù là người Huế nhưng hoàn toàn có thể nói giọng miền Nam. Chính điều đó đã truyền cảm hứng để Ngọc Lan cố gắng và có thể tự lồng tiếng cho vai diễn của mình, mà phim đầu tiên là "Kiều nữ và đại gia".

Ngọc Lan nhớ lại, khi phim lên sóng, cô nhờ thầy Nam Anh xem và nhận xét. "Thầy cũng chê nhiều lắm vì rõ ràng vẫn chưa tốt, nhưng sau một thời gian thầy nói với mình rằng "Con giỏi". Mình vui và tự tin lên nhiều", cô kể. Ngọc Lan tâm sự thêm bản thân có được ngày hôm nay cũng là công dạy dỗ của nghệ sĩ Nam Anh.

Nghệ sĩ Nam Anh tên thật là Trần Văn Nam, sinh năm 1963 tại Huế. Ông là nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật nước nhà, khi được công nhận là chuyên gia huấn luyện tiếng nói, từng đào tạo kỹ năng phát âm, nghệ thuật nói chuyện trước công chúng cho nhiều diễn giả, MC, ca sĩ, diễn viên, xướng ngôn viên, hoa hậu,…

Thập niên 90, cố nghệ sĩ từng đóng một số phim. Trong đó, vai diễn được biết đến nhiều nhất là vua Tịnh Phạn trong phim "Ánh đạo vàng" năm 1998, đóng cùng Việt Trinh, Công Hậu.

Năm 2015, nghệ sĩ Nam Anh lâm bệnh nặng và đến điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng tình trạng không thuyên giảm. Thời điểm đó, nhiều nghệ sĩ đã kêu gọi giúp đỡ ông dù ông không muốn cho nhiều người biết bệnh tình của mình. Trước khi mất, nghệ sĩ sống trong một căn nhà thuê tại quận 7 (TP.HCM).

Nhạc sĩ Văn Dung  - Nhạc sĩ Văn Dung - "Cha đẻ" ca khúc "Những bông hoa trong vườn Bác" qua đời ở tuổi 86
Tiểu sử nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng Tiểu sử nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động