Bắc Ninh: Chủ nhiệm HTX “ăn” hơn 1.000m2 đất công và bán đất trái thẩm quyền?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên6 hộ dân mất đất nông nghiệp
Theo tìm hiểu của PV, năm 1987, HTX nông nghiệp Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thực hiện chính sách khoán 10 (khoán gọn) đã giao ruộng cho xã viên theo tiêu trí mỗi lao động chính bằng 1 sào, người ăn theo bằng 5 thước. Số ruộng còn dư sẽ được giao tiếp cho các xã viên canh tác. Thời điểm này, HTX có giao cho 6 hộ gia đình tổng diện tích 1.080m2 đất nông nghiệp ở cánh đồng Bãi để gieo mạ, trồng màu.
Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND phường Châu Khê khiến 6 hộ dân... mất tư liệu sản xuất |
Ông Trần Văn Hà, đại diện cho 6 hộ gia đình cho biết, sau khi được giao đất, 6 hộ vẫn canh tác và nộp thuế đầy đủ. Nhưng do 6 thửa ruộng trồng màu hay bị mất trộm, mặt ruộng cao không lấy được nước để cấy lúa nên năm 1990, họ có bỏ hoang một vụ. Thấy ruộng bỏ hoang, ông Lưu Quang Mộc, Chủ nhiệm HTX đã tự ý ký hợp đồng cho ông Trần Đức Thi lấy đất làm lò gạch. Lúc này, ông Mộc có trao đổi với các hộ dân là, khi nào hạ ruộng xong thì sẽ trả lại ruộng cho 6 hộ tiếp tục canh tác.
Năm 1995, chính quyền thôn Đa Hội xin ruộng ở khu vực này để quy hoạch nghĩa trang. Ban đầu, 6 hộ gia đình tưởng rằng, thửa ruộng của họ nằm trong quy hoạch nên không có ý kiến. Song, khi nghĩa trang được xây dựng xong thì họ mới phát hiện, 6 thửa ruộng của họ nằm ngoài quy hoạch và còn cách nghĩa trang 1 con đường và 1 cái mương. Năm 2015, khi ông Trần Đức Thi, Chủ nhiệm HTX (nay là Giám đốc HTXDV Đa Hội) thông báo cho các xã viên kê khai lại ruộng để cấp GCNQSDĐ thì 6 hộ gia đình mới phát hiện gia đình ông Thi đã canh tác, cấy lúa trên phần đất của họ từ nhiều năm trước.
Quyết định này cũng thể hiện việc UBND phường "hợp thức hoá" 1.255,4m2 đất công cho Chủ nhiệm HTX Đa Hội |
“Khi chúng tôi thắc mắc thì được ông Thi trả lời, năm 1997, sau khi san lấp trả lại mặt bằng ruộng, để tiện canh tác, gia đình ông Thi đã viết đơn xin HTX giao lâu dài và được bà Phạm Thị Mai, Chủ nhiệm HTX phê duyệt. Đến nay, gia đình ông Thi đã được cấp GCNQSDĐ.
Trước đó, năm 1992, xã Châu Khê chia lại ruộng nhưng do đặc thù ở khu Đa Hội đất chật người đông nên không chia lại ruộng mà giữ nguyên hiện trạng, do vậy số đất ruộng được giao theo tiêu trí năm 1987 của Đa Hội được coi là giao lâu dài. Rõ ràng, năm 1987, HTX đã giao đất cho chúng tôi canh tác phải được coi là đất giao lâu dài. Mặt khác, chúng tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thì những thửa ruộng đó phải thuộc quyền sử dụng của chúng tôi. HTX tự ý ký hợp đồng cho ông Thi thuê đất để làm lò gạch sau đó lại giao lâu dài cho ông ý canh tác là trái quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi”, ông Hà bức xúc.
UBND thị xã Từ Sơn quyết định thành lập đoàn thanh tra xác minh khiếu nại của công dân |
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân, ngày 8-6-2017, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Châu Khê đã ký văn bản số 123/CV-UBND trả lời đơn kiến nghị của công dân. Theo đó, UBND phường xác định, diễn biến quá trình sử dụng đất đúng như trình bày của ông Hà. Tuy nhiên, số diện tích 1.080m2 đất mà năm 1990 HTX thu của 6 hộ để kinh doanh đun đốt lò gạch là đất tạm giao, là đất công ích do UBND phường quản lý. UBND phường cũng cho rằng, thời hạn khiếu nại của 6 hộ về việc Ban Chủ nhiệm HTX Đa Hội giao ruộng cho ông Thi đã hết, đồng thời giao cho ông Thi tiếp tục quản lý, sử dụng đúng mục đích.
Chủ nhiệm HTX “ăn” hơn 1.000m2 đất công
Ngày 4-10-2017, ông Thắng tiếp tục ký Quyết định số 190/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hà. Quyết định này đã thể hiện rõ việc Chủ nhiệm HTX Đa Hội “ăn” hơn 1.000m2 đất nông nghiệp do UBND phường Châu Khê quản lý. Cụ thể: Bản đồ năm 1996; sổ mục kê năm 1998 và bản đồ năm 2007 thể hiện thửa đất HTX đã giao cho 6 hộ gia đình có diện tích 1.066m2 đều do UBND xã Châu Khê quản lý. Thế nhưng bản đồ năm 2015 lại thể hiện, thửa đất trên có diện tích 1.255,4m2 mang tên ông Trần Đức Thi.
Con trai ông Thi đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật cho một số người... |
Đáng chú ý, ngày 28-1-2016, TAND thị xã Từ Sơn đã tuyên phạt ông Trần Đức Thi, Chủ nhiệm HTX Đa Hội 30 tháng tù treo, thời gian thử thách 60 tháng về tội “Trốn thuế”. Trong thời gian kinh doanh dịch vụ bán lẻ điện, HTX Đa Hội không nộp hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp và không xuất hoá đơn bán hàng. Do đó HTX Đa Hội do ông Trần Đức Thi làm Chủ nhiệm đã làm thất thoát hơn 3,39 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. |
Bà Phạm Thị Mai trình bày, năm 1990, HTX có chủ trương kinh doanh lò gạch kết hợp hạ ruộng ở khu đồng Bãi. Đến năm 1995, hợp đồng đun lò gạch đã hết, HTX yêu cầu ông Thi san lấp khu lò gạch cho phẳng theo hợp đồng. Năm 1997, bà Trần Thị Dung, vợ ông Thi có đơn xin được canh tác khu ruộng này nên bà Mai đã chấp nhận và ký giấy giao ruộng cho bà Dung canh tác từ đó đến nay. Còn ông Thi cũng khẳng định, HTX đã giao khu đất này cho gia đình ông canh tác lâu dài.
UBND tỉnh Bắc Ninh không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ? | |
Đất bị bỏ hoang trong khi các hộ dân thì... "khát" đất canh tác |
Thế nhưng, ông Thi chỉ xuất trình được biên bản giao ruộng của HTX do bà Mai ký, nội dung có nhiều tẩy xoá chữ số. Theo ông Thi thì đây là bản sao, bản chính do bà Mai quản lý. Còn bà Mai chỉ nộp biên bản giao ruộng đề ngày 19-11-1997. Biên bản chỉ có bên nhận là bà Trần Thị Dung ký, không có chữ ký của đại diện HTX, kiểm soát, kế toán. UBND phường Châu Khê cũng đưa ra đánh giá, thửa đất có diện tích 1.255,4m2 mang tên ông Thi là đất công ích do UBND phường Châu Khê quản lý đồng thời không chấp nhận đơn khiếu nại của 6 hộ dân.
Để xây dựng nghĩa trang gia đình đối diện với nghĩa trang khu phố Đa Hội vừa được đầu tư nhiều tỷ đồng |
Vì sao hơn 1.000m2 đất công do UBND phường Châu Khê quản lý “bỗng dưng” đứng tên ông Trần Văn Thi(?), ông Nguyễn Thế Toàn, Cán bộ Địa chính phường Châu Khê lý giải, năm 2015, phường đo đạc dữ liệu địa chính, lập sổ mục kê, đổi, cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ dân. Căn cứ vào biên bản giao ruộng của HTX nên UBND phường đã điều chỉnh bản đồ và sổ mục kê đứng tên ông Thi. Ông Toàn từ chối cung cấp bản đồ địa chính, sổ mục kê năm 2015 và biên bản giao ruộng theo đề nghị của PV.
UBND phường Châu Khê buông lỏng quản lý
Sau khi được UBND phường “hợp thức hoá” cho hơn 1.255,4 m2 đất công, con trai ông Thi là anh Trần Đức Tiệp đã viết giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một số người ở địa phương. Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Châu Khê khẳng định: “Việc bán đất nông nghiệp của gia đình ông Thi là vi phạm pháp luật. UBND phường đang phối hợp với CQCA xác minh làm rõ. Hiện tại, UBND thị xã Từ Sơn đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo của ông Hà. Đoàn thanh tra cũng đang làm rõ vì sao hơn 1.000m2 đất công lại đứng tên ông Thi và việc mua bán đất nông nghiệp này. Sau khi có kết quả thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ, tài liệu sang CA thị xã Từ Sơn để xử lý theo thẩm quyền”.
Thời điểm người dân phát hiện đất nông nghiệp bị huỷ hoại và làm đơn tố cáo |
Đáng chú ý, trong khi UBND thị xã Từ Sơn và phường Châu Khê đang giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thì một số hộ dân đã nhận chuyển nhượng đất từ gia đình ông Thi lại “đua nhau” xây dựng tường bao để làm nghĩa trang gia đình. Hành vi huỷ hoại đất nông nghiệp này đã được ông Hà làm đơn tố cáo tới UBND phường từ khi họ mới đào đất, xây móng. Thế nhưng, UBND phường Châu Khê đã buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, mặc cho hơn nghìn m2 đất nông nghiệp tiếp tục bị huỷ hoại.
Và đây là kết quả sau khi UBND phường Châu Khê tích cực lập biên bản xử lý |
Ngày 12-12-2017, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Khê ký văn bản số 94/BC-UBND gửi UBND thị xã Từ Sơn để báo cáo về việc xây dựng tường bao để làm nghĩa trang trái phép trên chính mảnh đất đang tranh chấp, khiếu nại này. Theo đó, UBND phường đã phát hiện gia đình bà Trần Thị Phúc, SN 1975 và ông Phạm Trọng Hùng, SN 1964, cùng trú tại khu phố Đa Hội đang có hành vi xây dựng tường bao để làm nghĩa trang của gia đình, đối diện với nghĩa trang nhân dân khu phố Đa Hội. Trong đó, gia đình bà Phúc xây dựng tường bao cao 1,5m trên tổng diện tích 413m2, còn ông Hùng xây tường bao cao 1m trên diện tích 132m2.
Khi đoàn thanh tra đang tích cực "làm việc" thì người dân vẫn "vô tư" xây dựng trái phép giữa ban ngày |
UBND phường Châu Khê đề nghị UBND thị xã Từ Sơn phối hợp với phường để xử lý hành chính và cưỡng chế đối với hai hộ gia đình trên. Thế nhưng, theo nghi nhận của PV vào giữa tháng 1-2018, khu đất đứng tên của ông Thi đã được chia thành nhiều lô và xây tường bao xung quanh, nhiều ngôi mộ đã được xây dựng bên trong khu đất. Khi phát hiện hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra giữa ban ngày, PV đã thông tin tới lãnh đạo UBND thị xã Từ Sơn. Song, UBND phường Châu Khê vẫn để mặc… cho các hộ dân xây dựng.
Được biết, UBND phường Châu Khê đã có báo cáo kế hoạch cưỡng chế các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp lên UBND thị xã Từ Sơn. Liệu việc “hợp thức hoá” đất công thành đất tư cho gia đình ông Thi có được làm rõ? Hành vi mua bán đất công, huỷ hoại đất nông nghiệp và việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ được UBND thị xã Từ Sơn và phường Châu Khê xử lý triệt để? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại