Thứ bảy 04/05/2024 05:35

Ba Vì: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND huyện Ba Vì cho biết, thời gian qua, hệ thống di tích của huyện đã và đang được bảo vệ, tu bổ đảm bảo cho sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích. Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân.
Di tích Miếu Mèn- xã Cam Thượng thờ Đức Quốc Mẫu - Man Hoàng Hậu, mẹ của Hai Bà Trưng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1990. Ảnh: Phòng VHTT huyện Ba Vì
Di tích Miếu Mèn- xã Cam Thượng thờ Đức Quốc Mẫu - Man Hoàng Hậu, mẹ của Hai Bà Trưng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1990. Ảnh: Phòng VHTT huyện Ba Vì

Theo báo cáo của Phòng VHTT huyện Ba Vì, hiện nay, toàn huyện có tổng số 397 di tích. Trong đó có: 115 đình (chiếm 29%), 109 chùa (chiếm 29%), 65 nhà thờ họ, nhà thờ danh nhân (chiếm 16%), 56 đền (chiếm 14%), 04 khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lại là các di tích cách mạng kháng chiến, văn chỉ, điếm, cổng làng… Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 133 di tích đã xếp hạng, chiếm 33,5%; gồm: 01 di tích xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (Đình Tây Đằng), 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 91 di tích xếp hạng cấp TP.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thực hiện các văn bản của UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương trên địa bàn.

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện phối hợp với Phòng Quản lý di sản - Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được huyện quan tâm, chú trọng như lễ hội đình Tây Đằng, Mo Mường, Cồng Chiêng…

Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh huyện Ba Vì được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; năm 2023, Di sản Mo Mường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ khẩn cấp…

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, hệ thống di tích của huyện đã và đang được bảo vệ, tu bổ đảm bảo cho sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích. Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân.

Nhiều di tích trên địa bàn huyện Ba Vì đã trở thành điểm đến thu hút du khách như: Khu di tích đền thờ Bác, khu di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ vv…Hiện nay, các di tích trên địa bàn huyện chủ yếu là nơi tổ chức lễ hội, một số nơi tổ chức phục vụ du khách đến tham quan, vãn cảnh và chiêm bái. Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, hệ thống di tích còn bao hàm cả giá trị về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích.

Ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt hiệu quả, trong thời gian tới việc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử văn hóa cần tiếp tục được triển khai, trên cơ sở đó từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, được sự quan tâm của TP Hà Nội, những năm qua nhiều di tích trên địa bàn huyện Ba Vì được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, huyện Ba Vì có 9 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp TP xuống cấp nghiêm trọng, 25 di tích xuống cấp hạng mục gốc và 8 điểm đến được đề xuất đầu tư tu bổ, tôn tạo. Nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ TP, huyện đối ứng và nguồn xã hội hóa.
Hà Nội: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Hà Nội: Bảo tồn, giữ gìn giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống
“Góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống”
Ánh Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động