Thứ sáu 22/11/2024 10:03

Áp chung mức thuế với mặt hàng bia sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp chung một mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối với mặt hàng bia sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh...
Heineken được cho là sẽ hưởng lợi nếu áp chung một mức thuế tuyệt đối.
Heineken được cho là sẽ hưởng lợi nếu áp chung một mức thuế tuyệt đối.

Không nên áp một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng bia

Theo nguồn tin của phóng viên, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất bia của Việt Nam đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó có đề xuất việc điều chỉnh tăng thuế với 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) .

Phương án 2: Điều chỉnh tăng thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (vừa áp dụng thuế tương đối theo tỷ lệ %, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia).

Là đối tượng chịu tác động trực tiếp, các doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để phù hợp với tình hình thị trường bia và điều kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như khuyến nghị của WHO.

Các doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng phương án 2, nghĩa là điều chỉnh tăng thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (vừa áp dụng thuế tương đối theo tỷ lệ %, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia) để tăng giá ít nhất 10%.

Trong thư kiến nghị, các doanh nghiệp cho rằng, nếu phương án 2 đi vào thực tế có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành bia tại thị trường Việt Nam, duy chỉ có doanh nghiệp đầu ngành với giá bán và lợi nhuận cao nhất được hưởng lợi từ chính sách này.

"Việc này trái với tinh thần của Luật Cạnh tranh là Nhà nước đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng", các doanh nghiệp nêu rõ.

Mặt khác, ngân sách Nhà nước cũng sẽ không đảm bảo do ảnh hưởng số thu thuế từ các doanh nghiệp sản xuất bia thương hiệu Việt, do bị giảm sản lượng và thậm chí phá sản.

Khi bị giảm sức cạnh tranh do chi phí thuế tăng lên, bị cạnh tranh không lành mạnh và giá bán không thay đổi, doanh nghiệp bia thương hiệu Việt buộc phải thu hẹp sản xuất, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm tất yếu dẫn đến thu ngân sách giảm, từ đó hệ lụy cho nền kinh tế còn nguy hiểm hơn.

Cùng với đó, việc áp dụng phương án 2 còn làm mất đi quyền được lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm mang thương hiệu Việt, có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và giá cả phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguy cơ các hãng bia thương hiệu nước ngoài sẽ tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường, biến Việt Nam thành thị trường độc quyền để tiêu thụ các sản phẩm của mình sau khi đã "hạ gục" các doanh nghiệp mang thương hiệu bia Việt.

Chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thuế là một trong những chính sách rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Vì vậy, ông Phạm Văn Thịnh đề nghị cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí để đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, chúng ta cần đánh giá rõ hơn phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có gì chưa tốt với mục tiêu cần đạt được là hạn chế sử dụng bia rượu và đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Nếu chính sách thuế mới không hướng đến được các mục tiêu đó thì cần cân nhắc việc thay đổi phương pháp" - ông Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Văn Thịnh, để hướng đến mục tiêu hạn chế sử dụng bia, rượu thì nên điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tính thuế và các biện pháp quản lý Nhà nước khác về xử lý người sử dụng rượu, bia không đảm bảo độ tuổi, tham gia giao thông chứ cũng không nên lấy nguyên nhân đó làm lý do chính để tăng thuế, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Phương án nào tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong ngành bia thì chúng ta cần được ưu tiên", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi hậu quả của đại dịch COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận ngành bia sụt giảm mạnh, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cho rằng chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung, ngành bia nói riêng còn nhiều khó khăn, vì thế để họ ổn định sản xuất kinh doanh thì năm 2024 chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt" - ông Phạm Văn Thịnh nói.

Bộ Tài chính đề xuất 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2023
Ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn
Theo Hậu Lộc/Tuổi trẻ Thủ đô
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động