Thứ ba 26/11/2024 08:24

2 người đàn ông ngừng thở sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhà có bình rượu ngâm củ ấu tàu (hay còn gọi là ấu tẩu) được hơn 1 năm, khi ăn sáng anh Đoàn Đình L. ở Tuyên Quang đã mang ra mời ăn. Kết quả sau bữa sáng cả 2 người được đưa đi cấp cứu, tới bệnh viện đã trong tình trạng lơ mơ, có cơn ngừng thở kéo dài ở dạng nguy hiểm.

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh viện này vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân nam trú tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, vật vã, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt… có cơn ngừng thở kéo dài ở dạng nguy hiểm. Qua khai thác thông tin từ gia đình, bác sỹ xác định 2 trường hợp trên bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.

Bác sỹ Chuyên khoa 2 Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi 2 bệnh nhân nhập viện, kíp trực cấp cứu đã lập tức đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện cấp cứu, bù dịch, dùng thuốc vận mạch… Hiện tại cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Anh Đoàn Đình L., 1 trong 2 bệnh nhân kể lại, nhà anh có bình rượu ấu tàu ngâm được hơn 1 năm. Hôm ấy vào bữa ăn sáng, anh đã mang bình “rượu quý” ra mời anh Trần Ngọc T. thưởng thức. Sau khi uống được khoảng 15 phút anh bắt đầu cảm thấy tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

2 nguoi dan ong ngung tho sau khi uong ruou ngam cu au tau
Bệnh nhân tỉnh táo sau khi được cấp cứu tích cực, kịp thời (ảnh: BVCC)

Các bác sỹ khuyến cáo, củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố.

Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong; Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu ấu tàu, người nhà cần xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bằng cách gây nôn ngay, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện (nơi có khả năng cấp cứu, chống độc hoặc trung tâm chống độc) để xử trí kịp thời điều trị. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu biết về củ ấu tàu và cách sử dụng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo Đông y, củ ấu tàu là rễ củ của cây Ô đầu, là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Củ ấu tàu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi.

Tuy nhiên, củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc. Trong trường hợp uống rượu ngâm củ ấu tàu chất aconitin ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng: Rối loạn cảm giác tại chỗ, lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay; buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ; khó thở, nhịp thở chậm, tình trạng tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở… rối loạn nhịp tim, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động