Vì sao HĐXX không muốn làm rõ bản chất của vụ án?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToà “giơ cao đánh khẽ” với kẻ có hành vi giết nhiều người? |
Lĩnh án 16 năm tù vì một tờ giấy viết tay
Theo quy kết của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh, bị cáo Phạm Văn Tuyến, SN 1967, trú tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, là Giám đốc Cty CP Đại Phát (Cty Đại Phát) và vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Khoát và bà Nguyễn Thị Ngà có mối quan hệ thân thiết. Năm 2010, mặc dù Cty Đại Phát không có liên doanh, liên kết góp vốn với Cty CP Tập đoàn Hanaka (Cty Hanaka), trụ sở tại KCN Hanaka, nhưng bị cáo Tuyến nhiều lần nói với vợ chồng ông Khoát là Tuyến đã thuê được 5.000m2 đất tại KCN Hanaka. Nếu vợ chồng ông Khoát có nhu cầu thì bị cáo Tuyến sẽ mua giúp 1.000m2 giáp với khu đất của bị cáo với giá 1,2 triệu đồng/m2 để xây dựng nhà xưởng cho thuê kiếm lời.
Bị cáo Tuyến liên tiếp kêu oan trong 4 phiên toà xét xử |
Đến ngày 3-10-2010, tại nhà ông Khoát, bà Ngà đã trực tiếp giao tiền cho bị cáo Tuyến 1,2 tỷ đồng. Bị cáo Tuyến viết giấy biên nhận với nội dung: Đại diện Cty Đại Phát có nhận của chị Ngà số tiền 1,2 tỷ đồng là tiền góp vốn đầu tư 1.000m2 đất tại KCN Hanaka… Do không thấy bị cáo Tuyến giao đất như cam kết và có sự né tránh nên đầu tháng 7-2013, vợ chồng ông Khoát làm đơn tố cáo gửi CA tỉnh Bắc Ninh.
Đầu tháng 10-2013, CQCSĐT CA tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bị can Tuyến để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19-8-2014, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt bị cáo Tuyến 16 năm tù. Bị cáo Tuyến kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không nhận số tiến 1,2 tỷ đồng của bị hại. Ngày 30-10-2015, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Mặc dù, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót nghiêm trọng, những mâu thuẫn trong các lời khai, bản chất thật sự của vụ án và các tài liệu chứng cứ liên quan đến tình tiết ngoại phạm hoặc giảm nhẹ liên quan đến hành vi, nhân thân của bị cáo Tuyến khi định tội mà các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Ninh chưa điều tra làm rõ. Thế nhưng, VKSND tỉnh Bắc Ninh không trả hồ sơ cho CQCSĐT CA tỉnh Bắc Ninh để điều tra làm rõ những nội dung mà HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã yêu cầu.
Đến tháng 12-2015, VKSND tỉnh Bắc Ninh ban hành cáo trạng mới truy tố bị cáo Tuyến về tội danh trên. Đáng chú ý, bản cáo trạng mới này gần như bê nguyên nội dung bản cáo trạng năm 2014 và chỉ thêm vào phần nhân thân của bị cáo Tuyến là có 1 tiền án về tội “Tham ô tài sản”.
Ngày 29-3-2016, HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2. HĐXX đã bác bỏ nhiều chứng cứ quan trọng thể hiện bản chất thật sự của vụ án và gỡ tội cho bị cáo mà chỉ căn cứ vào chứng cứ duy nhất là tờ giấy biên nhận mà bị cáo viết ngày 3-10-2010 và những lời khai của những người có quyền lợi đối lập với bị cáo để tuyên phạt bị cáo 16 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 3 năm tù về tội “Tham ô tài sản” tại bản án phúc thẩm năm 2006 của TAND Tối cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Tuyến phải chấp hành hình phạt chung cho hai bản án là 19 năm tù. Bị cáo Tuyến tiếp tục kháng cáo kêu oan.
1.000m2 đất có liên quan đến nhân chứng Vũ Thị Hoà?
Ngày 14-6-2018, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Ninh, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2. Bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan và mong muốn HĐXX “nhìn thấu” bản chất của vụ án. Các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng “xin” HĐXX tạo điều kiện để họ được xét hỏi, tranh tụng nhiều nội dung để chứng minh việc truy tố bị cáo có dấu hiệu oan sai. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, HĐXX liên tục “ngăn cản” vì cho rằng các luật sư hỏi không đúng trọng tâm vụ án.
Tại toà, bị cáo Tuyến khai: Thực chất, số tiền 1,2 tỷ đồng có liên quan đến bà Vũ Thị Hoà, SN 1960, trú tại phương Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là nhân chứng trong vụ án này. Qua sự giới thiệu và “bảo lãnh” của bị cáo Tuyến, bà Hoà đã được vợ chồng ông Khoát cho vay 3 tỷ đồng với lãi suất thoả thuận mà không cần tài sản thế chấp.
Sau đó, bà Hoà gán nợ 1.000m2 đất trong KCN Hanaka tương đương với 1 tỷ đồng và còn nợ vợ chồng Khoát 2 tỷ đồng. Do bị cáo Tuyến là người giới thiệu bà Hoà vay tiền của vợ chồng ông Khoát và vợ chồng ông Khoát không có tư cách pháp nhân nên đã nhờ bị cáo Tuyến đứng tên viết giấy biên nhận, chứ thực tế bị cáo Tuyến không được nhận tiền. Bị cáo Tuyến cũng khai rằng, bị cáo chỉ là người đứng giữa.
Trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Thu Hương, vợ bị cáo Tuyến đã cung cấp cho CQĐT nhiều đoạn ghi âm những cuộc trao đổi với bà Ngà và bà Hoà. Nội dung những đoạn ghi âm này thể hiện: Bà Ngà đang cầm tờ giấy bà Hoà viết cho bị cáo Tuyến 1.000m2 đất; bà Hoà vay của ông Khoát, bà Ngà 3 tỷ đồng; có việc đối trừ 1 tỷ đồng để lấy 1.000m2 đất trong KCN Hanaka và bị cáo Tuyến viết giấy nhưng không nhận tiền…
Các đoạn ghi âm này đã được giám định tính trọn vẹn, tính xác thực của dữ liệu điện tử phải được coi là chứng cứ có giá trị chứng minh. Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng, nội dung trong các đoạn ghi âm do vợ bị cáo cung cấp không được coi là chứng cứ liên quan đến vụ án.
Bị cáo cũng là nạn nhân của kẻ lừa đảo?
Tự xưng là cán bộ phụ trách phòng kinh doanh bất động sản của Cty Hanaka và được TGĐ Cty Hanaka cho đầu tư 10.000m2 đất trong KCN Hanaka, ngày 22-10-2008, bà Hoà viết biên bản thống nhất cam kết, trong đó có nội dung, đồng ý cho bà Hương cùng đầu tư số đất 10.000m2 với số tiền là 2tỷ đồng để nhận được 5.000m2 đất. Sau đó, bà Hương đã 9 lần chuyển cho bà Hoà với tổng số tiền là 1,35tỷ đồng. Đến năm 2010, do cần thêm vốn để đầu tư, thông qua bị cáo Tuyến, bà Hoà được vợ chồng ông Khoát cho vay 3 tỷ đồng và sau đó xảy ra sự việc trên.
Tại toà, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Tuyến đánh giá: “Vụ án này là vụ án oan sai, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý hình sự hóa một quan hệ dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, CQCSĐT CA tỉnh Bắc Ninh đã không thu thập đầy đủ những chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của vụ án”.
Theo luật sư Lê Văn Thiệp, bản chất của vụ án này có liên quan đến 10.000m2 “đất ma” trong KCN Hanaka mà bà Hoà đã bán cho vợ chồng bị cáo Tuyến 5.000m2 với giá 1,35 tỷ đồng. Vợ chồng bị cáo Tuyến cũng là nạn nhân bị bà Hoà lừa đảo. Bởi vì bà Hoà không phải là cán bộ phụ trách Phòng kinh doanh bất động sản của Cty Hanaka và cũng không có đất trong KCN Hanaka nhưng bà này vẫn đưa ra thông tin sai sự thật để đánh lừa bà Hương, vợ bị cáo Tuyến. Bị cáo Tuyến không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản bởi thời điểm đó, bị cáo vẫn tin rằng vợ chồng bị cáo đã mua được 5.000m2 đất trong KCN Hanaka.
Còn luật sư Nguyễn Tự Quyết, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, phía bị hại có dấu hiệu khai báo gian dối, không đúng sự thật về nguồn gốc số tiền 1,2 tỷ đồng mà bị hại đã đưa cho bị cáo Tuyến. Bởi lẽ, lời khai của bà Ngà có sự mâu thuẫn. Bà Ngà khai, bán miếng đất ở khu Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, sau đó lại khai bán miếng đất 200m2 ở khu dự án Hoà Long, phường Kinh Bắc cho bà Nguyễn Thị Hoa lấy 1,1 tỷ để đưa cho bị cáo Tuyến. Vợ chồng ông Khoát không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng thửa đất này.
Mặt khác, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bắc Ninh cũng trả lời luật sư Quyết rằng, không có thông tin liên quan đến giao dịch chuyển nhượng QSDĐ tại lô đất số 31, làn 2 đường Kinh Dương Vương, khu dự án Hoà Long giữa vợ chồng bà Ngà với bà Hoa. Tại toà, bà Ngà cho rằng, việc mua bán đất giữa bà và bà Hoa bằng hình thức công chứng treo nhằm trốn thuế nên không có tên của bà trong giao dịch mua bán đất. Còn vị đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố thì cho rằng, bà Ngà có đứng tên trong giao dịch mua bán đất hay không cũng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng?
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử lần 2 của các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi lẽ, Điều 252, BLTTHS năm 2003 quy định: “Sau khi Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì CQĐT tiến hành điều tra lại, VKS truy tố lại và Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung”. Tuy nhiên, trong vụ án này, sau khi tiếp nhận lại hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh Bắc Ninh không trả cho CQCSĐT CA tỉnh Bắc Ninh để điều tra lại theo thủ tục chung.
“Khi Toà án cấp phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, đồng nghĩa với việc cáo trạng và kết luận điều tra cũng sẽ bị huỷ. Theo quy định của BLTTHS, sau khi bản án sơ thẩm bị huỷ thì VKSND tỉnh Bắc Ninh phải trả hồ sơ về cho CQCSĐT để điều tra lại theo quy định. Sau đó, CQĐT buộc phải ban hành kết luận điều tra mới thì VKS mới có thể ban hành cáo trạng mới. Việc xét xử vụ án dựa trên cáo trạng mới không được xây dựng trên kết luận điều tra mới là có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Việc liên tục “ngăn cản” chúng tôi xét hỏi, tranh tụng thể hiện HĐXX không muốn làm rõ bản chất thật sự của vụ án(?)”, luật sư Lê Văn Thiệp nói.
Đối đáp về vấn đề xây dựng cáo trạng khi chưa có kết luận điều tra, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội không thừa nhận đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà chỉ thừa nhận sai sót khi không trả hồ sơ về cho CQĐT để điều tra lại nhưng vẫn để cho điều tra viên lấy lời khai của những người liên quan và đưa vào hồ sơ vụ án. HĐXX cũng “quên” không đánh giá nội dung này khi tuyên án.
Mặc dù bị cáo và các luật sư đưa ra nhiều căn cứ chứng minh bị cáo bị truy tố xét xử có dấu hiệu oan sai nhưng đã bị HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ và tuyên bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Được biết, bị cáo sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại bản án phúc thẩm lên các cơ quan Trung ương.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại