Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10 Ảnh: Khắc Kiên |
Nông sản tiếp tục là điểm sáng
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II/2024 được tổ chức vừa qua, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 ngành công thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao như: chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%; xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%; nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%. Đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp với chỉ số IIP tăng cao.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn 6 tháng đầu năm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp (DN) trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô - 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao (trong 5 tháng đầu năm 2024) như cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 43,98 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; EU đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%... “Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD)” - ông Bùi Huy Sơn cho biết.
Triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong thời gian này sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng. xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong nửa cuối năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất. Trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho DN trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung triển khai 4 Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với các DN FDI, DN sản xuất công nghiệp lớn (Samsung, Toyota, Mitsubishi, Thaco...) cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO...) nhằm thúc đẩy liên kết với DN trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho DN công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Logo của Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn lực Thăng Long DIH bị giả mạo | |
Xuất khẩu dệt may có nhiều khởi sắc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại