Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 24% trong 4 tháng đầu năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng. Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023; trong đó, nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%); riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%).
Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 10,44 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; chăn nuôi 152 triệu USD, tăng 3,6%.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7%; cà phê 2,57 tỷ USD, tăng 57,9%; gạo 2,08 tỷ USD, tăng 36,5%; điều đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,2%; rau quả 1,8 tỷ USD, tăng 32,1%; tôm 937 triệu USD, tăng 5,9%.
Giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi 332 triệu USD, tăng 33,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam.
Trong bức tranh xuất khẩu khởi sắc, mặt hàng gạo có bước tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đã vượt mốc 2 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng nhưng tăng tới 36,5% về giá trị. Xuất khẩu gạo cũng đang mở rộng ra nhiều thị trường hơn. Từ đó, đang vững bước để vượt mục tiêu xuất khẩu 7,6 triệu tấn đặt ra cho năm nay.
Xuất khẩu gạo hiện đang chiếm lĩnh nhiều thị trường trọng điểm. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, một số khu vực ghi nhận tăng trưởng tốt như EU.
Theo các doanh nghiệp, cơ hội đang rộng mở cho hạt gạo Việt. Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Phú Hưng, Đỗ Hoàng Phú Hiển cho biết: "Tình hình xuất khẩu thuận lợi. Chất lượng ngày càng tốt, phù hợp với đa dạng thị trường xuất khẩu".
Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Bên cạnh đó, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Việc tận dụng các hiệp định thương mại (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Thêm giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu | |
Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực | |
Xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt 520 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại