Xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc từ các phong trào thi đua
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGóp phần động viên tinh thần lao động, công tác, học tập
Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-khen thưởng Trung ương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra ngày 10-12.
Đánh giá về phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016-2020), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Các phong trào đua trong giai đoạn 2016-2020, với tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là điểm nổi bật trong 5 năm qua, góp phần tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển. Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cũng như các ban, Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với nhiều hình thức. Qua đó góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 Huân, Huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước; 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 380 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Tại Đại hội này, có 2.020 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và đại diện cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng trong nhiệm kỳ qua. Trong đó 60% là những người trực tiếp đang lao động, học tập trên cá lĩnh vực; 24% đại biểu nữ; 19,5% đại biểu trẻ và 9,6% đại biểu các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, qua 5 năm hoạt động của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và Ban Thi đua khen thưởng các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về cơ sở; quan tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu... “Việc quan tâm khen thưởng đột xuất, khen thưởng thành tích đặc biệt xuất sắc đã góp phần động viên tinh thần lao động, công tác, học tập hăng say, phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo và khát vọng cống hiến”, Phó Chủ tịch nước nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với một số đại biểu dự Đại hội. Ảnh: P.Châu |
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua
Trong 5 năm qua, đã cơ bản hoàn thành khen thưởng kháng chiến; tổ chức trang trọng phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 20.334 bà mẹ; Huân chương Độc lập cho 8.500 gia đình có nhiều hi sinh, cống hiến cho đất nước và phong tặng, truy tặng 267 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thời kỳ kháng chiến.
Phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-khen thưởng Trung ương nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Đó là: Tập trung thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực, đột phá mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phong trào khuyến học, khuyến tài.
Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, MTTQ và các đoàn thể, căn cứ chủ đề Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế tại từng đơn vị, địa phương để phát động mạnh mẽ phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng khắp, thiết thực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại