Thứ sáu 22/11/2024 21:01

Xuân về vãn cảnh chùa Bối Khê

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bối Khê là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo tọa lạc ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, được xây dựng vào thời Trần, khoảng năm 1338. Chùa đã được trùng tu vào cuối thế kỷ XVIII và năm 1923.  

Năm 1979, Bộ Văn hóa đã xếp hạng chùa Bối Khê là Di tích lịch sử - cách mạng quốc gia.

Nhân dân xã Tam Hưng có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Hồi năm 1895 - 1896, cụ Đô Hiên đã chỉ huy một cánh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Đến thế kỷ 20, lại có nhiều người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục 1907, rồi cuộc vận động Mặt trận Bình dân 1936-1939.

xuan ve van canh chua boi khe
Cổng chùa Bối Khê với kiến trúc ngũ quan

Tư liệu địa phương cho biết: Sáng ngày 19-8-1945, sau khi bắn ba phát súng hiệu mở đầu, hàng nghìn quần chúng trong xã và một số thôn lân cận dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề đã phối hợp cùng nhiều cánh quân khác kéo lên Bình Đà. Hoảng sợ, tri huyện Lê Quang Nhạ bỏ huyện đường Thanh Oai để thoát thân.

Khuôn viên chùa Bối Khê từng là một cơ sở kháng chiến chống Pháp của đội du kích sở tại, hiện nay tại đây vẫn còn di tích cửa ra vào hầm ngầm với đoạn địa đạo dài 7m. Hầm được đào từ năm 1948 dài 3 km, chạy vòng quanh làng, có 3 ngách, 2 cửa. Rồi rạng sáng 19-12-1972 một máy bay B52 của quân Mỹ đã bị tiểu đoàn tên lửa số 77 bắn cháy, xác rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng.

Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Kiến trúc hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ 18, rồi các năm 1923 và 2006. Chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 5.000 m2 ở ngay đầu làng. Trước cổng ngũ môn nhìn về hướng tây là cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã mất.

xuan ve van canh chua boi khe
Nhà bái đường chùa Bối Khê cổ kính, trầm mặc

Sau ngũ môn là chiếc cầu gạch trên dấu tích sông Đỗ Động, dẫn tới cổng giữa của tam quan nội với một gác chuông hai tầng tám mái. Tam quan được dựng năm 1603 và sửa chữa năm 2006, hai bên là bức tường dài ngăn với sân trước và vườn cây. Chùa xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa.

Bên trong bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu thánh”. Tòa thượng điện nhô cao có kết cấu chồng rường. Đức thánh Bối được thờ ở đây tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, có công giúp vua Trần đánh đuổi giặc xâm lược. Sau khi qua đời, ngài đã được phong thành hoàng và thờ cả trong chùa. Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc với những pho tượng sống động.

xuan ve van canh chua boi khe
Khuôn viên sân chùa Bối Khê. Ảnh: Thế Vinh

Trên sân chùa Bối Khê, ở trước tiền đường có đặt một sập đá lớn với những họa tiết mang nét đặc trưng của nghệ thuật thời Mạc. Những viên gạch trang trí ở thềm tiền đường thuộc loại gạch mộc đất nung, trên mặt có khắc nhiều hình linh vật và cũng được cho là của nghệ thuật thời Mạc. Thậm chí còn có cả dấu tích thời Trần ở các mảng chạm khắc gỗ như đầu bẩy chạm rồng ở hàng hiên tiền đường.

Trong Phật điện, cây nhang án chạm khắc từ một khối đá và có niên đại từ năm 1382 cũng được coi là một trong những hiện vật cổ nhất của nhà chùa. Nơi đây còn giữ được 52 pho tượng Phật giáo cổ, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Tam thế Phật, v.v.. Trong số đó, bức tượng Quan âm với 12 tay được coi như đẹp nhất. Ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện rõ ở hình chim thần Garuda đỡ bệ sen của tượng Quan âm Bồ tát.

Ngoài ra, còn có hai quả chuông lớn, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) với đường kính 60cm, cao 100cm, đang treo ở tầng trên của tam quan nội. Tại lối vào chùa trong có tấm bia đá được khắc từ thời Trần để ghi lại công đức của Đức thánh Bối.

xuan ve van canh chua boi khe
Phía sau ngũ quan là một hồ nước, dấu tích của dòng sông Đỗ Động xưa

Hằng năm, chùa mở hội vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch khá quy mô, theo đúng phong tục tập quán, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo nếp sống văn minh. Lễ hội gồm có 2 phần chính: phần lễ bao gồm rước thánh, rước văn, rước vật. Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hoá và trò chơi dân gian phong phú.

Lễ hội chùa Bối Khê không chỉ thu hút người con của làng xa quê mà còn thu hút khách thập phương về dự. 11 thôn lân cận rước kiệu Thánh làng mình về tế lễ thánh Bối Khê. Đặc biệt chùa còn nổi tiếng về tục lễ cầu nước.

xuan ve van canh chua boi khe
Cây đa 600 tuổi trước cổng chùa

Nét đặc sắc trong lễ cầu nước ở chùa Bối Khê là những nghi thức cầu đảo. Xưa, vì khoa học kỹ thuật chưa phát triển, không có hệ thống kênh mương tưới tiêu đồng ruộng như ngày nay nên việc trồng lúa lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hạn hán thì thiếu nước, mùa vụ khó khăn, còn lũ lụt thì ngập úng, mùa màng thất bát… đều làm cho đời sống gieo neo vất vả. Người ta tin rằng có những vị thần làm ra mưa, mang lại mùa màng bội thu, đời sống tốt tươi.

Chùa Bối Khê vẫn giữ được nhiều nghi thức tôn giáo của phái Trúc Lâm. Đặc biệt, chùa thờ vị thánh người quê hương là Nguyễn Bình An. Ông có công xây dựng chùa và đã tổ chức dân vùng Tiên Lữ đánh lại quân xâm lược phương Bắc.

xuan ve van canh chua boi khe
Gác chuông chùa Bối Khê với kiến trúc hai tầng, tám mái

Đến nay, chùa Bối Khê vẫn còn giữ được những nét chạm khắc họa tiết trang trí kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Lê Sơ - Mạc (thế kỷ XV - XVI), thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX). Điều này có thể rất rõ khi bước vào trong nhà thời Tam bảo với hai cột kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần. Phía bên ngoài các đầu bẩy đỡ mái chạm khắc hình rồng và chim thần Garuda. Ngoài ra, ở bên trong nhà điện thờ thánh cũng có những họa tiết được chạm khắc theo bộ tứ linh tứ quý, cùng các loại họa tiết hình học…

Không chỉ giữ được những nét cổ trong kiến trúc, chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều hiện vật quý như tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần hoa lá… có niên đại từ thế kỷ XIV. Trong chùa có 58 pho tượng, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Quan Âm 12 tay, cao chừng 2m ngồi trên tòa sen, được đặt ở nhà Tam bảo.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động