Thứ hai 25/11/2024 12:58
Từ vụ việc trẻ mầm non bị trùm túi nilon vào đầu, bị đánh:

Xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mấy ngày qua, dư luận một lần nữa bức xúc trước sự việc một cô giáo mầm non dùng túi nilon màu đen trùm vào đầu để đánh trẻ. Để không tái diễn tình trạng tương tự, các chế tài xử phạt cần mạnh tay hơn mới đủ sức răn đe.
Hình ảnh cô giáo dùng túi nilon trùm lên đầu cháu bé.   Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh cô giáo dùng túi nilon trùm lên đầu cháu bé. Ảnh cắt từ clip

Bạo hành trẻ mầm non không còn là hi hữu

Theo đó, vào chiều 14/5, trên mạng xã hội facebook lan truyền video có nội dung, hình ảnh cô giáo lớp mầm dùng túi nilon màu đen, trùm vào đầu của cháu học sinh và dùng tay vỗ vào mông cháu bé.

Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND huyện Trấn Yên đã giao CA huyện Trấn Yên phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo UBND xã Báo Đáp, CA xã Báo Đáp tiến hành kiểm tra, xác minh theo quy định.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định tại lớp Mầm non tư thục Bông Sen được thành lập theo Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 4/5/2022 của UBND xã Báo Đáp. Địa điểm của lớp được đặt tại nhà văn hóa thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái do cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, trú tại thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, Trấn Yên, Yên Bái làm chủ.

Ngày 14/5, lớp Mầm non tư thục Bông Sen có tiếp nhận và đón 9 cháu nhỏ đến học. Sau khi các cháu ăn cơm trưa xong, cô Nhung cho các cháu đi ngủ. Đến 11h56 ngày 14/5, thấy cháu Trần Huy K tiểu tiện ra quần, khóc, cô Nhung dỗ nhưng bé không ngủ nên đã lấy một túi nilon màu đen trùm vào đầu bé và dùng tay vỗ vào mông cháu bé 2 cái. Sau đó, cô bỏ túi nilon ra và đưa cháu đi sang phòng hội trường ở bên cạnh lớp học chơi để cho các cháu khác ngủ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã Báo Đáp đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, CA xã Báo Đáp mời cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, gia đình anh Huy (bố mẹ của cháu Trần Huy K) và những người có liên quan để làm rõ vụ việc.

Gia đình anh Huy đã đưa cháu Trần Huy K, tới BVĐK tỉnh Yên Bái để theo dõi, thăm khám sức khỏe. Chiều 16/5, kết quả bệnh án của BVĐK tỉnh Yên Bái xác định tình trạng sức khỏe của cháu Trần Huy K bình thường, không tổn thương gì và đã cho ra viện. Để yên tâm hơn, sáng 17/5, gia đình anh Huy tiếp tục đưa cháu Khánh đi Hà Nội để kiểm tra sức khỏe.

UBND huyện Trấn Yên đã giao CA huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT chỉ đạo UBND xã Báo Đáp và CA địa phương xác minh làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngày 17/5, Phòng giáo dục huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã có báo cáo về vụ việc "bảo mẫu trùm túi nilon vào đầu trẻ mầm non rồi đánh", gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói sự việc trên không phải hi hữu bởi trước đó cũng từng có các vụ việc xảy ra tại khắp các tỉnh thành gây phẫn nộ trong dư luận; khiến các bậc cha mẹ không khỏi xót xa, bức xúc.

Bởi đa phần các bé bị bạo hành đều là trẻ mầm non – có bé còn là lần đầu đến lớp, chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Sau này dễ để lại những ấn tượng xấu về giáo viên, những nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức của con trẻ, gây ra hậu quả rất nặng nề và lâu dài. Trẻ có cảm giác sợ hãi khi đến lớp, từ đó xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sợ sệt.

Ngoài ra, với những trẻ có cá tính mạnh những hành động bạo hành của cô giáo có thể gây phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ở trẻ, khiến trẻ dần trở nên ngang bướng. Nguy hiểm hơn là trẻ có thể bắt chước, từ đó phát triển tính bạo lực sau này.

Cần nghiêm trị mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em

Sau khi được biết và tìm hiểu về vụ việc, ngoài vai trò là một luật sư, thì ông Lê Minh Trường cũng là một người cha có con trong độ tuổi mầm non nên không khỏi bức xúc. Khi được hỏi về chế tài xử lý trong trường hợp giáo viên có dấu hiệu bạo hành học sinh, Luật sư Lê Minh Trường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị và cần nghiêm trị.

Theo đó, Luật Trẻ em quy định, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Điều lệ Trường mầm non Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT cũng nêu rõ các hành vi giáo viên và nhân viên không được làm bao gồm: Đối xử không công bằng đối với trẻ em; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp…

Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trẻ bị bạo hành không chỉ chịu tác động đến tâm lí mà có em còn chịu ảnh hưởng nặng nề về thể chất. Thực tế đã có trẻ bị đánh dẫn đến nứt, gãy xương, tổn thương nội tạng, gây di chứng co giật, động kinh, chậm phát triển… Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm giáo viên mầm non bạo hành học sinh để đảm bảo tính răn đe.

Luật sư Lê Minh Trường cho biết thêm, ngoài ra nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, giáo viên bạo hành học sinh mầm non có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội: “Hành hạ người khác; Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em; Vô ý làm chết người hoặc Giết người”.
Dương Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động