Xem xét xử nghiêm để làm gương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh cắt từ clip sự việc Phó trưởng CA phường ở TP Cao Bằng đánh người |
Kiên quyết xử lý đến cùng
Ngày 3/5, Đại tá Vũ Hồng Quang, GĐ CA tỉnh Cao Bằng, cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị lập tức ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Phó Trưởng CA phường Sông Bằng để xác minh. Đây là sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh tốt đẹp người chiến sĩ Công an Nhân dân.
Theo GĐ CA tỉnh Cao Bằng, thời điểm xảy ra vụ việc, những cán bộ có mặt trong đoạn clip đang giải quyết việc cá nhân chứ không phải đang làm nhiệm vụ. Ban GĐ CA tỉnh Cao Bằng thống nhất phương án phải "xử lý rất nghiêm túc" để làm gương trong toàn lực lượng. Vụ việc hiện nay được giao cho CA TP Cao Bằng tập trung xác minh.
"Chúng tôi kiên quyết không bao che, không dung túng, ai sai đến đâu thì phải chịu hình thức xử lý đến đó. Việc xử lý phải có tính răn đe, làm gương cho người khác. Cơ quan chức năng sẽ xem xét chi tiết, thận trọng các hành vi, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ kiên quyết xử lý đến cùng", Đại tá Vũ Hồng Quang khẳng định.
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ 2 đoạn clip ghi lại hình ảnh 2 người đàn ông mặc thường phục cùng 2 người đàn ông mặc quần áo giống trang phục CA đi trên xe ôtô biển trắng rồi dừng trước quán cắt tóc.
Tại đây, người mặc quần áo giống CA kéo nam thanh niên trẻ ở quán cắt tóc lên xe ôtô nhưng bị những người có mặt ngăn cản. Trong lúc giằng co, người đàn ông áo trắng (được cho là Phó trưởng CA phường Sông Bằng, TP Cao Bằng) tát thẳng mặt cô gái, đẩy mạnh khiến cô gái này suýt ngã. Khi những người ở quán cắt tóc vào trong nhà, người đàn ông áo trắng tiếp tục đi vào và tiếp tục tát mạnh cô gái.
Mặc dù người có mặt nói "nhà có camera" nhưng người đàn ông áo trắng vẫn rất hung hăng. Vụ việc chỉ dừng lại khi CA phường sở tại có mặt. Sau đó những người đi trên xe ôtô mới chịu rời đi.
Có thể đối diện với 2 tội danh
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần xem xét và xử lý nghiêm về hành vi đánh phụ nữ và bắt giữ người trái pháp luật của Phó trưởng CA phường theo phản ánh. Nếu kết quả xác minh chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng với vị cán bộ CA phường này vì đã vi phạm kỷ luật Công an Nhân dân.
Trường hợp, người phụ nữ đi thăm khám, đề nghị giám định thương tích và có thương tích xảy ra thì dù tỉ lệ thương tích chưa tới 11%, Phó trưởng CA phường này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 BLHS khi nạn nhân có yêu cầu.
“Tội "Bắt người trái pháp luật" không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Vì vậy trong trường hợp người bị hại không có yêu cầu nhưng kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có đủ căn cứ xác định hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý người vi phạm về tội "Bắt người trái pháp luật" theo Điều 157 BLHS”, luật sư Nguyên cho biết.
Luật sư Nguyên viện dẫn, theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của VKS cùng cấp. Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân. Hành vi bắt giữ người phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài các trường hợp pháp luật quy định, cho phép bắt người thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tất cả các tổ chức, cá nhân không được phép bắt giữ người, những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp luật pháp quy định là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của BLHS hiện nay thì tội "Bắt giữ người trái pháp luật" có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chia sẻ thêm, luật sư Nguyên cho biết, đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là CA thì hành vi ứng xử với Nhân dân phải đúng chuẩn mực, có văn hóa, thể hiện thái độ tôn trọng Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Những hành vi lạm quyền, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì ngoài trách nhiệm pháp lý còn bị kỷ luật công chức và kỷ luật đảng. Với hành vi đánh người, bắt giữ người trái pháp luật thì mức hình thức kỷ luật có thể là tước danh hiệu Công an Nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng.
Đình chỉ Phó công an phường lao vào tiệm tóc đánh phụ nữ | |
Sở Y tế Cao Bằng rà soát bác sĩ liên quan vụ Phó trưởng công an phường đánh phụ nữ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại