Thứ hai 25/11/2024 16:20

Xe biển xanh được ưu tiên trong trường hợp nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ việc một người đàn ông đi xe máy chặn đầu một chiếc ô tô biển xanh phát tín hiệu ưu tiên đang khiến dư luận quan tâm và xảy ra nhiều tranh cãi. Vậy xe biển xanh được ưu tiên trong trường hợp nào?
Hình ảnh chiếc xe máy chặn đầu xe biển xanh đang phát tín hiệu ưu tiên trên phố Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội.	 Ảnh chụp màn hình
Hình ảnh chiếc xe máy chặn đầu xe biển xanh đang phát tín hiệu ưu tiên trên phố Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Xe máy chặn đường xe ưu tiên đi ngược chiều

Mới đây, trên một số diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh chiếc xe máy do một người đàn ông điều khiển đang chặn đầu một ô tô biển xanh và ép xe này phải lùi lại, đi đúng chiều đường.

Đáng chú ý, chiếc xe Toyota Land Cruiser biển xanh này đang phát tín hiệu ưu tiên (đèn nháy, còi hụ), tuy nhiên người đàn ông đi xe máy vẫn rất cương quyết không nhượng bộ, dựng xe chắn trước đầu xe, thậm chí còn lấy điện thoại ra quay lại. Tình huống trên được cho là xảy ra vào khoảng 7h sáng 19/12 trên tuyến phố Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngay sau khi video được đăng tải, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm bắt được thông tin về vụ việc trên và đã giao cho Đội CSGT số 2 mời người lái xe máy lên làm việc. Kết quả làm việc sẽ được thông báo sau.

Khi xe biển xanh được ưu tiên

Video trên đã thu hút nhiều lượt người xem và bình luận. Đồng thời, câu chuyện cũng khiến nhiều người bình luận với những ý kiến trái chiều. Vậy có phải xe biển xanh nào cũng được ưu tiên hay không? Và xe biển xanh được ưu tiên trong trường hợp nào là thắc mắc của nhiều người.

Theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Hà Nội, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an về biển số xe cơ giới có quy định, xe có biển màu xanh là xe cấp cho các cơ quan của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, các Ban chỉ đạo Trung ương, CA Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam), đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập, Ban quản lý dự án có chức năng quản lý Nhà nước.

Tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, những xe thuộc nhóm sau đây sẽ được quyền ưu tiên đi trước khi tham gia giao thông đường bộ: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe CA đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và đoàn xe tang. Trừ đoàn xe tang, những xe ưu tiên nêu trên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Như vậy, không phải tất cả các loại xe biển xanh đều được ưu tiên khi tham gia giao thông mà chỉ khi những xe đó đang thực hiện nhiệm vụ, phát tín hiệu xe ưu tiên thì mới được quyền ưu tiên. “Nếu xe biển xanh, xe biển đỏ không thuộc trường hợp được ưu tiên thì vẫn phải tuân thủ luật lệ giao thông như xe tham gia giao thông bình thường khác. Tất cả người tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải nhường đường chỉ bởi xe… biển xanh” – luật sư Tuyến phân tích. Điều đó có nghĩa, mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung của các xe biển xanh, xe biển đỏ không thuộc trường hợp được quyền ưu tiên đều bị xử lý vi phạm theo quy định. Ngược lại, trong trường hợp xe biển xanh đang đi làm nhiệm vụ, phát đầy đủ tín hiệu ưu tiên theo quy định nhưng người tham gia giao thông chèn ép hoặc không nhường đường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 3, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ có nêu rõ: "Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.”

Trường hợp các phương tiện không nhường đường cho xe được ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với ô tô; phạt tiền từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với xe máy) Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Hơn 240 xe biển xanh, đỏ bị phạt “nguội”
Lái xe biển xanh bị tổ công tác Bộ Công an xử lý vi phạm nồng độ cồn là đơn vị nào?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động