Xây dựng trường học hạnh phúc: “Hạnh phúc trên mỗi bước đường ta đi...”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thái Phương |
Hiệu trưởng cũng là người gieo mầm hạnh phúc
Vì thế, Thứ trưởng đề cao môi trường giáo dục hạnh phúc: “Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của chúng ta trọng tâm phát triển năng lực, phẩm chất và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, để từ đó mỗi cá nhân thể hiện được đam mê của mình. Có đam mê, các em mới có thể sáng tạo, chứ không phải học theo phương thức truyền thống cũ là ghi nhớ, nhồi nhét và áp lực”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hạnh phúc không phải đi tới cuối con đường mà hạnh phúc là trên mỗi bước đường ta đi. Không phải đợi thành tài, thành danh rồi mới hạnh phúc mà mỗi ngày đến trường với học sinh, thầy cô đều là hạnh phúc. Xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình lâu dài và Bộ không đưa văn bản để hành chính hóa nó vì đây là vấn đề tự thân của mỗi cơ sở giáo dục để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị mình.
Trong tháng 10 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam (Vietnam Innovation of General Education Foundation - VIGEF) tổ chức buổi lễ khai giảng khóa học “Trường học hạnh phúc”, với chủ đề “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc”.
Đây là chương trình trong khuôn khổ dự án Happy Schools được UNESCO đề xuất và khuyến cáo để đánh giá sự thành công của một trường học. Theo đó, thay vì đánh giá thành tích mà học sinh đạt được, “Trường học hạnh phúc” tôn vinh chỉ số hạnh phúc mà người học đang có.
Theo TS. Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiệu trưởng là người đứng đầu một cơ sở giáo dục, là người có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng giáo dục và sự phát triển của học sinh. Nhưng, không phải ai cũng nhận thức được rằng, Hiệu trưởng cũng là người gieo mầm hạnh phúc cho cả cộng đồng. Một trường học hạnh phúc là nơi mọi học sinh được yêu thương, tôn trọng, khuyến khích và thách thức; là nơi mà giáo viên được tạo điều kiện để sáng tạo, nâng cao năng lực và gắn kết; là nơi mà phụ huynh được hợp tác, tin tưởng và hỗ trợ. Một trường học hạnh phúc sẽ tạo ra những con người hạnh phúc, có đạo đức, có tài năng và có trách nhiệm với xã hội.
Không nên đặt nặng thành tích
Tại hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi” diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội ngày 20/10, TS. Nguyễn Văn Hòa - nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, những năm đầu mới thành lập trường, thầy luôn giữ triết lý và mục tiêu giáo dục để đào tạo nên những lứa học trò xuất sắc, tài năng và trở thành nhân tài của xã hội. Dù là hiệu trưởng trường dân lập nhưng thầy xây dựng phương hướng quản lý, phong cách theo hướng các trường công lập vì phụ huynh lúc bấy giờ tin tưởng vào chất lượng các trường công lập nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào hiện thực, nhiều vấn đề nảy sinh khiến “tư tưởng đào tạo nhân tài” tiêu tan: học sinh quậy phá, không chịu học hành, gây rối; giáo viên bị xúc phạm, lên tìm hiệu trưởng để “kiện”, không chịu được áp lực rồi xin nghỉ việc; phụ huynh khi thấy con không tiến bộ cũng lên tìm hiệu trưởng để “kiện”…
Nhận thấy nhiều vấn đề trong cách vận hành và quản lý trường học, thầy Hòa quyết định phải thay đổi nhà trường và thay đổi chính bản thân mình. Thầy Hòa cho biết, nhiều người tin rằng càng đặt ra nhiều quy định sẽ càng dễ quản lý được học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nhà trường đưa ra càng nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ vì các em đang trong tuổi dậy thì, độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm.
Để làm được điều ấy, thầy thuyết phục giáo viên và thuyết phục chính mình phải yêu thương học trò, không áp dụng những kỷ luật hà khắc khi học sinh làm sai hoặc bị điểm kém. Ngoài ra, thầy Hòa cũng nhấn mạnh rằng, thầy cô không nên đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số và luôn phải tạo ra bầu không khí vui vẻ trong lớp học.
Theo thầy Hòa, việc chạy theo thành tích sẽ khiến học sinh mất đi sự độc lập, tự tin và trở thành những con người “chỉ biết thực hành”, không đào tạo ra được những người sáng tạo. Sứ mệnh và bản chất đích thực của nhà giáo là trở thành nhà giáo dục, đồng thời là nhà tâm lý. Các thầy cô cần nâng cao hiểu biết về tâm lý học để có thể hiểu chính mình, yêu chính mình và sống hài hòa.
Đến lúc đó, thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và xã hội sẽ hạnh phúc. Người thầy nên trở thành người truyền cảm hứng. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy học làm sao để học sinh thấy hứng thú, thích đi học, cảm thấy tò mò, từ đó các em trở nên chăm học và phấn đấu trong tương lai.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, bộ tiêu chí tổng thể trường học hạnh phúc sẽ được xây dựng với mục đích động viên, tuyên truyền, khuyến nghị, đồng thời là căn cứ để từng nhà trường, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên soi chiếu và phấn đấu. Bộ tiêu chí bao gồm các tiêu chí tổng thể và cụ thể của từng cấp học. Hiện nay, tiêu chí của cấp học mầm non đã được ban hành; các cấp học khác đang được khẩn trương xây dựng. Trường học hạnh phúc ở cấp học mầm non gồm 3 tiêu chí: Môi trường nhà trường, phát triển cá nhân; hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Tương ứng với mỗi tiêu chí lại có những yêu cầu cụ thể để đơn vị, cá nhân phấn đấu, cũng là căn cứ để cấp quản lý kiểm tra, đánh giá. Trong tiêu chí trường học hạnh phúc ở cấp mầm non, Sở GD&ĐT quy định rõ: Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm gương cho trẻ em trong mối quan hệ cô trò, trong giao tiếp thể hiện đạo đức tác phong, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cần biết quản lý cảm xúc tiêu cực; tôn trọng, lắng nghe thấu hiểu và chủ động xây dựng được các mối quan hệ tích cực, tốt đẹp. Tiêu chí trường học hạnh phúc ở cấp mầm non cũng đặt ra yêu cầu các nhà trường phải bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ. |
Hà Nội triển khai phong trào xây dựng ''Trường học hạnh phúc'' | |
Trường học hạnh phúc nhìn từ những khiếu nại, tố cáo trong giáo dục | |
Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại