Chủ nhật 19/05/2024 23:47

Trường học hạnh phúc nhìn từ những khiếu nại, tố cáo trong giáo dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT và Công đoàn giáo dục triển khai rộng rãi cuộc vận động xây dựng trường học hạnh phúc ở các trường phổ thông và đại học (ĐH) trong cả nước. Những năm gần đây, đổi mới giáo dục dù được bàn đến ở nhiều khía cạnh, nhưng luôn chú trọng một điều quan trọng: Trường học phải là một nơi hạnh phúc và mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Các nhà giáo dục theo trường phái hạnh phúc cho rằng hạnh phúc là mục đích quan trọng nhất của giáo dục cần đạt tới. UNESCO cũng khuyến cáo các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình dương xây dựng mô hình trường học hạnh phúc theo 52 tiêu chí thuộc ba nhóm vấn đề (3P): Con người trong trường học; Quá trình dạy và học; Địa điểm học tập.

Một số tiêu chí của UNESCO có nội dung mới, ít thấy ở các trường học, chúng ta cần nghiên cứu, thử nghiệm trước khi vận dụng, bổ sung vào bộ tiêu chí mô hình THHP ở Việt Nam.

Đơn cử như về các tiêu chí trong nhóm “Con người trong trường học”: Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong quá trình giáo dục học sinh. Mục tiêu xuyên suốt của nhà trường theo quan niệm: hãy biến nhà trường thành một “địa điểm mở” cho cộng đồng. Có nhiều hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn nhằm tạo cảm giác như sống trong gia đình, được hòa nhập trong môi trường học đường. Thành lập các câu lạc bộ lớp ghép, bao gồm nhiều độ tuổi, từ đó tăng cường và mở rộng mối quan hệ tình bạn trong học sinh.

Có thể nói xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng tình bạn và mối quan hệ trong cộng đồng tôn trọng, hợp tác, hiểu sự khác biệt trong mỗi học sinh. Từng con người trong trường luôn được rèn luyện và giữ được giá trị sống riêng biệt, độc đáo của mình.

Những năm gần đây, ngành giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: Giảm tải chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện học sinh theo từng cá nhân; giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với học sinh..

Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc vận động vì một trường học hạnh phúc. Trọng tâm mô hình này là “Trường học hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc – học sinh hạnh phúc” với 3 tiêu chí cốt lõi: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Trường học hạnh phúc nhìn từ những khiếu nại, tố cáo trong giáo dục
Trường học hạnh phúc là mục tiêu của giáo dục và phải được bắt đầu từ người thầy (Ảnh: tvu.edu.vn)

Thực tế là suốt những năm qua, chúng ta đang nỗ lực để thực hiện điều đó, tư duy về những ngôi trường hạnh phúc cũng đang được thay đổi, nhưng… ở đâu đó, cốt lõi yêu thương, sự tôn trọng và chuẩn mực sự phạm đã bị bỏ qua. Dù rằng “con sâu làm rầu cả nồi canh”, nhưng cũng đủ để chúng ta ngâm ngợi: Một viên gạch ghép chưa chuẩn, công trình mà chúng ta tâm huyết dựng xây khó vẹn toàn.

Như việc cô giáo tiểu học ở trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội nhiều lần gửi đơn về việc mình bị ban giám hiệu nhà trường “chèn ép” chẳng hạn. Thông tin đa chiều, nhiều hướng tiếp cận, chưa biết ai đúng ai sai, cũng có thể không ai hoàn toàn đúng, không ai hoàn toàn sai, nhưng với những học sinh lớp 5 bị kéo vào cuộc, chắc hẳn, mỗi giờ học chưa thể là một giờ vui được. Rồi sắp tới, đoàn thanh tra sẽ khách quan mà nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét sự việc, nhưng với một môi trường chưa chuẩn mực sư phạm, khó hạnh phúc lắm.

PGS.TS Phạm Tất Dong khi nhìn nhận về sự việc cho rằng: Trong môi trường sư phạm, ngay cả khi trò ngỗ ngược, cũng có những bước hành xử sư phạm, sự tôn trọng của trò với thầy, của thầy với thầy, của thầy với phụ huynh và ngược lại phải luôn tồn tại. Khi những tiêu chí cốt lõi của một môi trường sư phạm chuẩn mực, của một ngôi trường hạnh phúc bị bỏ qua, thì ứng xử sẽ vênh nhau cả, khi không còn đối thoại, tôn trọng, thì còn gì mà nói. Và như thế, không ai - cả thầy, cả trò, cả người quản lý, cả phụ huynh thấy hạnh phúc cả.

Ở đâu đó, cô giáo phạt học sinh bằng thước, bằng cách xúc phạm và lăng mạ, cũng có ở đâu đó học trò nhảy cả lên bục giảng tát cô… nhưng những sự chệch chuẩn phải được điều chỉnh bằng những hành vi chuẩn mực sư phạm.

Xưa nay vẫn là như vậy, cả một đoàn tàu chuyển động ngăn nắp, đúng hướng thì không sao, một toa tàu chệch bánh sẽ không còn là một đoàn tàu an toàn về đích nữa, những người có trách nhiệm phải chỉnh, phải nắn, nhưng phải bằng phương pháp phù hợp. Đổi mới giáo dục, giảm bớt áp lực, xây dựng trường học hạnh phúc cũng vậy, mỗi nơi mỗi diện mạo khác nhau, nhưng cả hệ thống đang vận hành trơn tru bỗng có một vài cá thể lệch nhịp, sẽ khiến người nhìn vào lăn tăn nghĩ ngợi mãi. Mà nhất là khi những khiếu nại, tố cáo kéo dài, thời gian đợi chờ ấy sẽ khiến ai có thể vẫn vững tâm, vẫn hạnh phúc mà góp tay vào công cuộc xây dựng những mái trường hạnh phúc hay không?

Vì vậy, với mỗi sự việc, dù không vui vẻ gì, cũng tin là những người có trách nhiệm, còn tâm huyết, còn gắn bó, còn yêu mến sự nghiệp trồng người sẽ có những đề xuất, cách làm, hướng giải quyết ổn thỏa, bằng tình thương, sự tôn trọng, và bằng nỗ lực thực sự trong việc xây dựng những ngôi trường, những lớp học, những thế hệ thầy và trò hạnh phúc.

Hà Nội triển khai phong trào xây dựng ''Trường học hạnh phúc'' Hà Nội triển khai phong trào xây dựng ''Trường học hạnh phúc''

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức hội thảo với ...

Xây dựng trường học hạnh phúc: Hiệu trưởng  phải là người đi đầu Xây dựng trường học hạnh phúc: Hiệu trưởng phải là người đi đầu

“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 ...

Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc

"Trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, mang tính cốt lõi là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng" - Đây là ...

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động