Thứ hai 09/09/2024 21:57

Vượt "hàng rào xanh" trong xuất khẩu vào thị trường EU

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng nhưng đang khó tính hơn khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh. Rào càn kỹ thuật thương mại gia tăng, đòi hỏi từ sản xuất "Xanh” ngày càng nhiều… Đó vừa là thách thức, song cũng chính là cơ hội, giúp chúng ta thay đổi nhiều hơn vào sự đáp ứng yêu cầu thị trường, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Vượt

Vượt "hàng rào xanh" trong xuất khẩu vào thị trường EU.

"Hàng rào xanh" là gì?

EU thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, khái niệm còn mơ hồ với nhiều doanh nghiệp Việt, trong đó phải kể tới quy định cấm nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ phá rừng, xem xét đánh thuế cao với sản phẩm nhập khẩu phát thải cao…

Cụ thể, đối với sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. EU ban hành cơ chế định giá carbon và Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Trong đó, CBAM là một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu này thuộc nhóm các ngành có mức phát thải cao. Nên thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Đối với mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng thông tin: Ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.

Các ngành thuộc các nhóm hàng trên cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam thông tin: Cà phê là một trong những ngành sẽ là đối tượng chịu tác động của quy định mới trên, từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu "đóng cửa rừng" nên việc phá rừng trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt từ năm 2019 trở lại đây. Vì thế nhiều năm qua, diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 - 700.000ha.

Trong khi thị trường xuất sang châu Âu đang chiếm khoảng 45% tổng lượng tương ứng trên dưới 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Cho nên, khó khăn cho các doanh nghiệp là không ít nếu chủ quan.

Do đó, rất cần có những thông tin cụ thể từ châu Âu, mốc thời gian áp dụng, sản phẩm cụ thể thuộc diện phải áp dụng... để doanh nghiệp chuẩn bị. Trường hợp cần thiết, Việt Nam nên đề nghị châu Âu cho lùi thời gian áp dụng quy định này để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn.

Đối với ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, đạo luật mới của EU muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, doanh nghiệp các nước có trách nhiệm hơn để góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng. Tới đây, Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT để phổ biến sâu hơn tới các doanh nghiệp.

Cùng với đó, phía EU đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng các yêu cầu về tăng trưởng xanh và giảm phát thải.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa dẫn danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Ủy ban châu Âu công bố, cơ quan này tiếp tục đưa ra biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (ethylene oxide - EO) với rau thơm, trái cây, mỳ ăn liền... của Việt Nam xuất sang thị trường EU.

Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, EU cũng đang thảo luận về một "Thỏa thuận Xanh" nhằm giảm sự rò rỉ các-bon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều các-bon. Do đó, việc tiếp cận thị trường EU của các quốc gia xuất khẩu nông sản chắc chắn sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Thực tế hiện nay, theo Báo cáo "Hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB) thì: Nông nghiệp là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020). Khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ sản xuất lúa gạo.

Chính vì vậy, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, tỷ lệ phân bón hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ đạt hơn 30%; số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng đạt hơn 30%; chuyển đổi 300.000ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 2%; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3%...

Chủ động để thích ứng tín hiệu chinh phục thị trường

Không chỉ thị trường EU, các thị trường thành viên của CPTPP như Mexico, Canada đều rất có tiềm năng để hàng Việt Nam chinh phục. Chẳng hạn như: Nông sản chế biến, cà phê, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô, quần áo, giày dép…

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết: hàng Việt Nam có lợi thế thuế quan nhờ Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, Canada cũng có rất nhiều FTA với các thị trường khác. Trong khi người tiêu dùng ở thị trường này đang ngày càng khắt khe hơn với các sản phẩm nhập khẩu, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc giảm khí thải carbon - đây cũng là hình thức bảo hộ mới cho hàng nội địa.

Cùng với đó, hàng Việt còn gặp bất lợi về lạm phát, biến động tỷ giá, vận chuyển tắc nghẽn… Do vậy nếu không vượt qua được các rào cản trên, hàng Việt dễ bị thay thế bằng hàng hóa nước khác.

Trước những thách thức đó, có lẽ chúng ta cũng nên đặt kỳ vọng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để tạo ra các thay đổi trong cách thức sản xuất, vận chuyển, phân phối và tiếp thị... Bản thân mỗi doanh nghiệp bên cạnh cần chủ động tiếp cận thông tin từ phía thị trường cũng cần phải tự đổi mới chính mình để thích ứng, nếu không chúng tiếp tục bị kiểm soát trước các rào cản mà thị trường đặt ra.

Ông Bartosz Cieleszynski - Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam: “Công nghệ xanh không vượt ngoài tầm tay của Việt Nam, mỗi doanh nghiệp đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại xanh. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông - lâm - ngư nghiệp...".

Doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản
Châu Âu áp lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang 5 nước Đông Âu
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động