Thứ ba 26/11/2024 07:51

Vữa trần nhà rơi khiến 2 học sinh bị thương: Trách nhiệm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trường hợp nếu do việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Hiện trường vụ mảng vữa trần rơi xuống khiến 2 học sinh bị thương
Hiện trường vụ mảng vữa trần rơi xuống khiến 2 học sinh bị thương

Ngày 6/9, một số học sinh lớp 10 trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội đang nghỉ tại phòng học trên tầng 3, bất ngờ có một mảng vữa lớn trên trần nhà rơi xuống giữa phòng học. Vì là thời điểm nghỉ trưa nên chỉ có hai học sinh bị thương nhẹ ở vai và lưng. Sau sự việc xảy ra, các em học sinh bị thương đã được nhân viên y tế của trường sơ cứu.

Đại diện nhà trường cho biết, phòng học này được xây từ những năm 2000 và trường nằm trong danh sách được xây mới trong thời gian tới. Do sử dụng đã lâu, bị ngấm nước mưa nên vữa trần bị bong tróc và rơi xuống, dù nhà trường đã kiểm tra cơ sở vật chất trước khi tổ chức khai giảng.

Việc mảng vữa trần lớp học rơi xuống làm hai học sinh bị thương tại trường THPT Quang Minh ngay sau ngày khai giảng khiến học sinh, phụ huynh lại thêm nỗi lo lắng về vấn đề an toàn trường học.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các trường học phải ưu tiên đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh lên hàng đầu bên cạnh việc cung cấp, truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhà trường. Hành vi không bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường, lớp học là hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm, chất lượng hoặc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 04/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 127/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, người này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất, trường lớp.

Trong trường hợp nếu do việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất lên tới 12 năm, ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, trong vụ việc này, luật sư Nguyên cho biết, đầu tiên phải xét đến trách nhiệm của nhà trường trong khâu kiểm tra cơ sở vật chất trước khi bắt đầu năm học mới. Khâu kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, các hạng mục công trình trước khi học sinh quay trở lại trường là rất quan trọng, nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả học sinh và giáo viên.

Do đó, nhà trường có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các em căn cứ theo quy định tại Điều 584 và Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Các khoản phải bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho các em và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội đã đến kiểm tra, làm việc với nhà trường để nắm bắt tình hình thực tế và có giải pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh trong năm học mới.

Đoàn đã yêu cầu nhà trường kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất, từ cửa lan can đến hành lang, cầu thang, đặc biệt là trần tất cả các phòng học để đảm bảo an toàn cho học sinh đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Mê Linh khảo sát, đánh giá lại để có giải pháp sửa chữa kịp thời.

Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường thực hiện nghiêm túc văn bản hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích đảm bảo an toàn cho học sinh trong năm học mới.

Vữa trần nhà rơi trong lớp học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động