Vụ việc tắt tiếng nhạc nền Quốc ca trong trận bóng quốc tế bị "tuýt còi": Doanh nghiệp "đá bóng" trách nhiệm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDòng thông báo trên màn hình trận đấu bóng giữa đội tuyển Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải đấu AFF Cup 2020 trên Youtube khiến khán giả bất bình. Sau 2 ngày tạo làn sóng tranh luận, ngày 8-12 video về trận bóng giữa hai đội tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup được đơn vị tiếp sóng độc quyền là Next Media đăng phát lại, phần Quốc ca hoàn toàn không bị tắt tiếng. |
Hành động “né” chiếc “gậy” bản quyền
Sự việc gây tranh luận mạng xã hội mấy ngày gần đây liên quan tới việc một doanh nghiệp khai thác thông tin trên nền tảng số “tắt tiếng” nhạc nền Quốc ca trong một trận bóng quốc tế.
Cụ thể, tối 6-12 nhiều khán giả theo dõi trực tiếp trận Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải đấu AFF Cup 2020 trên Youtube vô cùng bức xúc khi phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu bị tắt âm thanh kèm theo dòng thông báo trên màn hình trận đấu là: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm”.
Sự việc chỉ xảy ra trên nền tảng số, trong khi đó, tín hiệu âm thanh phần lễ chào cờ vẫn phát sóng bình thường khi khán giả theo dõi tường thuật trên kênh truyền hình.
Việc Quốc ca không được vang lên ở một trận đấu quốc tế khiến nhiều khán giả, giới chuyên môn âm nhạc bức xúc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nêu quan điểm: “Cần phải tìm hiểu rõ động cơ việc tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam - Lào của đơn vị tiếp sóng là gì? Nếu là vì lỗi kỹ thuật thì cũng cần nói rõ để tìm giải pháp khắc phục. Nếu là chủ ý tắt vì sợ vi phạm bản quyền thì cũng cần phải nói rõ để còn tìm giải pháp đối thoại. Nhưng dù là với lí do gì thì việc Quốc ca đang vang lên mà bị ngắt tiếng giữa chừng như thế là rất phản cảm. Thậm chí, có thể nói là không đúng và sẽ gây nên nhiều phản ứng”.
Sau sự việc, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng trong cuộc họp với các ban ngành đã có ý kiến chỉ đạo, nêu rõ ca khúc “Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Bộ VH,TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Theo điều 13 Hiến pháp, Quốc ca là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca” (nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác năm 1944). Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đây là bản ghi Quốc ca chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí.
Bản ghi tác phẩm âm nhạc Quốc ca có thời lượng 1 phút 02 giây được Bộ VH,TT&DL chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng internet toàn cầu, tại đường dẫn trên trang website của Cổng Thông tin Chính phủ điện tử. Đây là bản ghi Quốc ca chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí.
Bài hát “Tiến quân ca” là bài hát được sử dụng rộng rãi, phổ biến vì gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng cho Nhà nước và Nhân dân.
Thế nên, việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 trên một số nền tảng số là trái quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 6-12 trận đấu giữa Việt Nam - Lào tại AFF Cup được đơn vị tiếp sóng độc quyền là Next Media, phát trên nền tảng số là Next Sport (trang xã hội sở hữu 1,58 triệu người đăng ký).
Nhiều người đặt dấu hỏi về lý do đơn vị tiếp sóng đã tắt tiếng “Tiến quân ca” trên nền tảng số? Liệu có liên quan đến BHMedia? Trước đó, vụ việc BHMedia “đánh gậy bản quyền” bản ghi âm bài hát “Tiến quân ca” từng được đơn vị này “nhận vơ” đăng ký sở hữu bản quyền khiến dư luận bất bình.
Sau 2 ngày tạo làn sóng tranh luận, ngày 8-12, video về trận bóng giữa hai đội tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup được đơn vị tiếp sóng độc quyền là Next Media đăng phát lại, phần Quốc ca hoàn toàn không bị tắt tiếng.
Bản chép nhạc Quốc ca do Cục Nghệ thuật biểu diễn cung cấp trên Cổng thông tin Chính phủ điện tử |
Khi Quốc ca bị thiết lập “bản quyền tác phẩm”
Xâu chuỗi lại sự việc, hành động trên dường như nằm trong kế hoạch có chủ đích của doanh nghiệp khai thác ứng dụng trên một số nền tảng số.
Đại diện BHMedia cho biết đơn vị này không liên quan đến sự việc “tắt tiếng” Quốc ca trong trận đấu bóng ngày 6-12 vừa qua.
Đại diện BHMedia còn bỏ ngỏ thông tin về việc đơn vị tiếp sóng ngắt âm thanh Quốc ca nhằm tránh trường hợp bị mất doanh thu vì vi phạm bản quyền như kênh YouTube của FPT từng gặp “bão”.
Cụ thể, trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út, trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 diễn ra tối 16-11 tại Việt Nam, kênh Youtube của FPT “FPT Bóng Đá Việt” (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi “Tiến quân ca” do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo.
Sau khi video trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh Youtube “FPT Bóng Đá Việt” đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.
Kênh Youtube của FPT chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi “Tiến quân ca” của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên Youtube.
Theo quy định, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất. Việc kênh “FPT Bóng Đá Việt” tiếp sóng và sử dụng “Tiến quân ca” của hãng đĩa nước ngoài mà không xin phép đã bị đánh “gậy” bản quyền, video trận đấu vẫn được phát với 4 triệu lượt theo dõi nhưng doanh thu thì tuột khỏi tay FPT.
Từ sự việc của BH Media nhận vơ bản quyền ghi âm bài hát “Tiến quân ca” trên nền tảng số và hành động doanh nghiệp “tắt tiếng” nhạc nền Quốc ca cho thấy thực trạng ca khúc Quốc ca hiện nay đang bị nhiều đơn vị tự ý xuất bản ghi âm – ghi hình rồi thiết lập quyền sở hữu gây nên nhiều bất bình trong dư luận.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, để giải quyết vấn đề này thì cần phải có sự soi chiếu giữa hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ và cả những điều lệ khi chúng ta tham gia Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật.
Hiện nay, nhiều người vẫn khó phân biệt bản quyền tác phẩm âm nhạc và bản quyền bản ghi tác phẩm âm nhạc. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả hay tác quyền, bản quyền là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Trong đó, bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Sự khác nhau của hai loại quyền này là quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả; quyền liên quan là quyền được trao cho một, một vài nhóm người vì vai trò quan trọng của họ đối với việc truyền bá và phổ biến một số loại hình tác phẩm đến với công chúng.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Thực tế, bản ghi tác phẩm âm nhạc Quốc ca có thời lượng 1 phút 02 giây được Bộ VH,TT&DL công bố từ năm 2006 chỉ là bản ghi âm chứ không có phần hát Quốc ca. Thời gian qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề xuất sản xuất bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, trang trọng để người dân sử dụng miễn phí… Theo đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì lý do dịch bệnh Covid-19 nên đề xuất vẫn chỉ dừng lại ở các buổi hội thảo mà thôi.
Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại