Vụ tài xế taxi cố tình tông xe vào bảo vệ khu đô thị: Hành vi nông nổi để lại hậu quả nghiêm trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ việc tài xế taxi đâm tử vong bảo vệ khi bị khóa bánh vì đỗ xe sai chỗ. |
Lái ô tô đâm vào xe máy khiến nạn nhân tử vong
Khoảng 17h ngày 28/3, CA thị trấn Trâu Quỳ nhận được tin báo tại khu vực trước sảnh R1.02 Vinhomes Ocean Park xảy ra tai nạn giao thông. Qua xác minh sơ bộ, cảnh sát xác định lái xe Trịnh Bá Trọng (SN 1984, ở Cổ Bi, Gia Lâm) điều khiển ô tô biển số 29E - 012.42 đỗ tại nút giao Hải Đăng 3 - Hải Đăng 9 (thuộc nội khu đô thị Vinhomes Ocean Park). Chiếc xe sau đó bị anh V.T.D (SN 1997, bảo vệ Vinhomes Ocean Park) khóa bánh xe vì đỗ sai quy định.
Sau đó, Trọng lên ô tô và di chuyển. Anh D. phát hiện nên lái xe máy đuổi theo Trọng, yêu cầu dừng lại xử lý theo quy định. Lúc này, Trọng không dừng lại mà lái ô tô đâm vào xe máy gây tai nạn khiến anh D. phải nhập viện cấp cứu rồi tử vong. Ngoài ra, chiếc taxi còn va chạm với ô tô Mercedes GLC 300 và ô tô Huyndai Tucson màu đen gây hư hỏng phần đuôi xe.
Sáng 29/3, CA huyện Gia Lâm tạm giữ nam tài xế Trịnh Bá Trọng để làm rõ các tình tiết liên quan vụ việc. Theo đó, kết quả đo nồng độ cồn của Trọng là 0,454 mg/l khí thở. Mức vi phạm này vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4 mg/l khí thở). Thời điểm cảnh sát tiếp nhận vụ việc vào chiều 28/3, tài xế Trọng đã không hợp tác, nhiều lần không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn.
Hậu quả cực kỳ nghiêm trọng
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của tài xế taxi đã phạm vào tội giết người. Theo đó, hành vi cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác với mục đích giết người hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra dẫn đến chết người, là hành vi giết người. Hơn nữa, Pháp luật Việt Nam quy định mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông đâm vào phương tiện di chuyển cùng chiều thì đều là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Quy định của luật giao thông được bộ, người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Khi gặp chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại. Bởi vậy tất cả những vụ việc mà người tham gia giao thông không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đâm vào đuôi xe của phương tiện di chuyển cùng chiều thì người điều khiển phương tiện phía sau có lỗi. Hành vi có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì người vi phạm giao thông đường bộ có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc trên, luật sư Hùng phân tích, trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế taxi do thù tức với người bảo vệ nên điều khiển ô tô, là nguồn nguy hiểm cao độ, để đâm thẳng vào người bảo vệ này, sau đó bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Đồng thời, theo luật sư Hùng, tài xế trong vụ việc này còn có tình tiết tăng nặng. Bởi theo cơ quan chức năng, kết quả đo nồng độ cồn của Trọng là 0,454 mg/l khí thở. Mức vi phạm này vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4 mg/l khí thở).
“Cộng với việc tại thời điểm bị đâm, nạn nhân hiện đang thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ, người lái xe này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội giết người với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” - luật sư Hùng phân tích.
Ngoài ra, gười lái xe sẽ phải bồi thường thiệt hại về chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, thuốc thang, chi phí mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.
“Việc cơ quan chức năng khởi tố về tội danh nào còn phụ thuộc vào quá trình điều tra, mặt chủ quan của tội phạm, động cơ cũng như mức độ gây thiệt hại của vụ việc. Tuy nhiên, vụ việc này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác.
“Cả giận mất khôn”, những hành vi nông nổi đáng tiếc lại để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Nó không chỉ khiến nạn nhân mất mạng, người thực hiện hành vi vào vòng lao lý, mà còn liên lụy đến rất nhiều người quanh đó. Đó là gia đình, là người thân ruột thịt. Cả nạn nhân lẫn đối tượng thực hiện đều đang còn trẻ, đằng sau ắt hẳn còn vợ dại con thơ, còn bố mẹ cần phụng dưỡng…” - luật sư Hùng nói.
Học cách xử lý tình huống sao cho vừa hợp tình hợp lý mà không vi phạm pháp luật và đặc biệt phải biết kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình để tránh gây ra những sự việc đáng tiếc luôn là điều cần nhớ với không chỉ riêng ai.
Bị nhắc nhở vì đỗ sai quy định, tài xế đâm bảo vệ trọng thương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại