Vụ tài xế taxi bị đánh tử vong: đủ căn cứ cấu thành tội “Giết người”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Đ.S |
Hành vi của các đối tượng
Ngày 5/3, CA quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đang điều tra, xác minh vụ tài xế taxi G7 bị đánh trên đường ven hồ, dẫn đến chấn thương sọ não, tử vong. Vụ việc xảy ra khoảng 16h - 17h ngày 4/3, trên tuyến đường ven hồ, đoạn cuối phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Thời điểm trên, không biết do xảy ra mâu thuẫn gì, anh Lưu Xuân Trường (SN 1980, quê Thái Nguyên) điều khiển ô tô BKS 30E - 625.39 đã bị 2 đối tượng đi trên xe máy chặn đầu xe. Khi anh Trường xuống xe, đã bị 2 đối tượng hành hung dã man. Sau đó, nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và bị chẩn đoán chấn thương sọ não nặng. Đến 15h ngày 5/3, anh Trường đã qua đời.
Về vụ việc này, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, tính mạng con người là điều cao quý và quan trọng nhất. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Vụ việc tài xế taxi hãng G7 nghi bị 2 thanh niên điều khiển xe mô tô đánh tử vong rất thương tâm ở đường ven hồ Tây gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân vụ việc sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xem xét vụ việc, theo quan điểm của luật sư Thơm, rất có thể do mâu thuẫn tham gia giao thông, 2 đối tượng đã điều khiển xe mô tô đuổi theo chặn lại và hành hung lái xe.
Đoạn đường ven Hồ Tây hẹp, thời điểm xảy ra vụ việc lúc tan tầm, đông người qua lại nên rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Dù lái xe ô tô có va chạm hay mâu thuẫn gì thì việc 2 đối tượng sử dụng vũ lực đánh tử vong lái xe là không thể chấp nhận được, cần xử lý nghiêm. Trường hợp có mâu thuẫn hay va chạm giao thông gây ảnh thiệt hại đến tài sản, sức khỏe thì phải thông báo cho cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của 2 đối tượng, rất có thể do mâu thuẫn giao thông đã sử dụng vũ lực đánh nạn nhân chấn thương sọ não tử vong dã man đã cấu thành tội “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. “Với hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn nhiều hạn chế trong khi mật độ phương tiện gia tăng thì khó tránh khỏi các xung đột giao thông. Do đó, tham gia giao thông cần phải bình tĩnh, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và cần có văn hóa ứng xử phù hợp, văn minh...” – luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Hình phạt cao nhất là tử hình
Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của 2 đối tượng đi xe mô tô thể hiện sự côn đồ, đã khiến tài xế lái xe taxi tử vong. Theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 thì các đối tượng có thể chịu mức hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Về trách nhiệm bồi thường của các bên, theo luật sư Hùng, trong sự việc này thì nạn nhân đã tử vong, tính mạng đã bị xâm phạm.
Tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm, theo đó có hai loại thiệt hại được bồi thường, đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Những thiệt hại vật chất được bồi thường trong trường hợp này bao gồm:
Thứ nhất, “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết”. Tại mục 4 phần I của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn “Chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí”.
Theo đó, người gây ra thiệt hại phải bồi thường cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân các khoản như: chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương.
Ngoài ra, phải đền bù tiền cấp dưỡng cho những người mà trong trường hợp nạn nhân đang có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Không thấp hơn 1 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Một tài xế taxi bị 2 đối tượng đi xe máy chặn đường, đánh tử vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại