Vụ bắt cóc trẻ em đòi chuộc 15 tỷ đồng ở Long Biên: lời ân hận muộn màng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Nguyễn Đức Trung tại phiên tòa. Ảnh: H.N |
Túng quẫn nên… làm liều
Sáng 29/12, TAND đã mở phiên tòa xét xử cựu CSGT Nguyễn Đức Trung (SN 1992, ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), đối tượng trong vụ bắt cóc trẻ em đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc ở Long Biên về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi gây án, Trung từng mang cấp bậc thượng úy, công tác tại Đội tham mưu, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi diễn ra phiên tòa, người bị hại đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, người bị hại đã có lời khai trong giai đoạn điều tra nên việc bị hại vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử.
Đại diện VKSND TP Hà Nội, luật sư đề nghị HĐXX cho phiên tòa diễn ra bình thường. Sau khi hội ý tại chỗ, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.
Trước toà, bị cáo Trung thừa nhận hành vi sai phạm của mình đúng như cáo trạng đã truy tố.
Ngày 13/7, bị cáo đi từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Lý do là trước đó đã vay nợ nhiều người, không còn có khả năng trả nợ, bị chủ nợ thúc ép nên nghĩ quẩn. Khi xuống Hà Nội, bị cáo đi nhiều nơi, sau đó, xác định đến khu đô thị Vinhome Việt Hưng, Long Biên, là nơi có nhiều gia đình có điều kiện sinh sống. Do không trộm cắp được, đến 18h ngày 13/8 thì quay trở về nhà. Đến 11h ngày 14/8 thì tiếp tục quay trở lại Hà Nội. Bị cáo tiếp tục đi quanh khu đô thị Vinhome Việt Hưng, nhưng không trộm cắp được.
“Đến khi nào bị cáo nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em?” - toà hỏi. “Do chủ nợ thúc ép nhiều mà không trộm cắp được nên 16h ngày 14/8, bị cáo bắt đầu nảy sinh ý định bắt cóc. Để thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo ra chợ mua cuộn chun, găng tay… trở lại khu đô thị, gặp các cháu bé thì sẽ bắt cóc đòi tiền chuộc. Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ, các cháu bé thì không có khả năng chống trả” - bị cáo Chung cho biết.
Về việc bắt cóc cháu P, Chung cho biết, khoảng 19h tối ngày 14/8, bị cáo phát hiện cháu P đạp xe một mình trong khu đô thị, quan sát không thấy ai, bị cáo dừng xe hỏi đường. Khi cháu trả lời thì bị cáo dùng tay kéo cháu bé lên xe… Sau khi bắt cóc xong, bị cáo bỏ trốn. Quá trình bỏ trốn, bị cáo hỏi cháu về hoàn cảnh gia đình. Cháu bé nói: Bố làm giám đốc công ty, mẹ là thư ký cho bố, gia đình có tiền và cho số của chị H, mẹ cháu bé. Bị cáo vừa bỏ trốn vừa gọi điện cho mẹ cháu P.
Chung khai tại tòa, bị cáo đòi chị H 15 tỷ đồng. Số tiền đó nhiều hơn số tiền mà bị cáo đang nợ.
“Bị cáo có đe doạ chị H không?"- chủ toạ hỏi. Trung khai, cuộc gọi thứ hai, bị cáo nói, không được gọi Công an, nếu không thì không được gặp lại cháu! Thực chất câu nói của bị cáo nhằm mục đích gia đình cháu bé sợ không dám báo Công an và đưa tiền chuộc.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, câu nói của bị cáo là để chị H hiểu nếu không làm theo ý của bị cáo thì sẽ hại cháu bé! Đó là lời đe doạ.
Sau khi bắt cóc cháu bé, bị cáo đưa cháu bé lên Sóc Sơn, qua nhiều tuyến đường, vứt bỏ BKS xe để tránh sự truy bắt của Công an. Cháu P bị khống chế, bị trói. Bị cáo còn giơ súng ra và hỏi: “Đây là cái gì”, đồng thời cho biết: “Nếu không ngoan thì chú sẽ cho ăn đạn”.
Quá trình bắt cóc, bị cáo liên tục tắt máy, đi nhiều tuyến đường để tránh sự truy bắt của Công an. Đến 23h cùng ngày, chị H thông báo đã có 13 tỷ đồng, bị cáo đồng ý lấy, đồng thời hướng dẫn chị H đi lên cầu Thanh Trì, theo nhiều tuyến đường đến khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Tiên, Hà Nam…
Đến khoảng 5h ngày 15/8/2023, Trung đã chở theo cháu P chờ sẵn tại địa điểm đường gom gần khu công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Khi thấy xe của chị H đến, Trung yêu cầu chị H dừng lại, xuống xe và mang theo túi đựng tiền màu đen đi về hướng xe của Trung. Chị H làm theo yêu cầu của Trung và đi được một đoạn nhưng không nhìn thấy cháu P. Chị H không để túi tiền vào trong xe của Trung mà để xuống đường rồi quay lại xe của mình. Thấy vậy, Trung lái xe đến lấy túi đựng tiền rồi để ở chân ghế lái.
Sau khi nhận được túi đựng số tiền 6 tỷ đồng và 300.000 USD từ chị Huyền, Trung thả cháu P xuống đường và lái xe bỏ trốn.
Lời ân hận muộn màng
Theo tài liệu điều tra, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Long Biên phát hiện, bắt giữ Trung cùng toàn bộ vật chứng. Quá trình khống chế bắt giữ Trung, do có sự giằng co nên khẩu súng (đã lên đạn sẵn) mà Trung mang theo rơi từ trong túi quần bên trái của Trung xuống đất làm súng cướp cò và phát nổ 1 lần, trúng vào mặt trước trong 1/3 dưới đùi chân phải của anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986; là cán bộ Công an quận Long Biên đang tham gia bắt giữ Trung). Sau đó, mọi người đã bắt giữ Trung và đưa anh Tuấn đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để cấp cứu và điều trị thương tích.
Bị cáo khai, bị cáo vướng vào nợ nần là do tham gia vào đầu tư tiền ảo trên mạng. Khi bị chủ nợ thúc ép, bị cáo quá túng quẫn, nên mới nảy sinh trộm cắp tài sản để trả nợ. Khẩu súng mang theo được mua từ năm 2021 vì… sở thích. “Bị cáo đã chuẩn bị súng, mang theo 37 viên đạn, có 5 viên đã để trong hộp súng, mua thẻ sim phụ, làm biển kiểm sát giả… Bị cáo là Công an, biết sử dụng súng là bị cấm nhưng vẫn sử dụng. Trong đầu bị cáo đã tính toán kỹ lưỡng” – toà răn đe.
Vị chủ toạ nhấn mạnh: bị cáo có con 2 tuổi, nếu con bị cáo bị bắt cóc, bị cáo sẽ thấy thế nào? Lúc này, bị cáo mới lý nhí: bị cáo cũng sẽ rất hoảng sợ và thương con!
“Bị cáo hãy đặt mình vào vị trí của cha mẹ cũng có con bị bắt cóc để hiểu hành vi của mình nguy hiểm và đáng lên án như thế nào” – chủ tọa nói.
VKS nhận định, bị cáo Trung công tác 12 năm tại ngành Công an, là đảng viên, có nhiều thành tích trong công tác. Bị cáo hiểu luật, nhưng lại vi phạm pháp luật. Hành vi của bị cáo làm xấu đi hình ảnh của chiến sỹ Công an, gây phẫn uất dư luận, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cháu bé và bình yên của người dân. Từ nhận định đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo 18-19 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Lời nói sau cùng, bị cáo xin lỗi gia đình cháu P, các chiến sỹ đồng nghiệp, người thân của bị cáo. “Quá trình bị tạm giam, ngày nào bị cáo cũng suy nghĩ, ăn năn hối hận với hành vi của mình làm ảnh hưởng cháu bé và khiến 1 chiến sỹ bị thương. Bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện xem xét khoan hồng để sớm về với gia đình” - bị cáo nói.
Sau nửa ngày xét xử và nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Trung là đặc biệt nghiêm trọng đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân. Hành vi phạm tội của bị cáo, thể hiện sự liều lĩnh coi thường pháp luật, có nhiều thủ đoạn che giấu tội phạm, đối phó với cơ quan Công an sau khi gây án, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn Thủ đô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người Cảnh sát Nhân dân. Do vậy, cần có mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.
Tuy nhiên khi lượng hình, HĐXX xem xét, bị cáo Nguyễn Đức Trung sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, nhân thân tốt. Trong quá trình công tác, được tặng thưởng nhiều giấy khen của Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với việc Nguyễn Đức Trung vay tiền của nhiều người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, xét thấy cần kiến nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ có hay không việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ những căn cứ trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Trung 20 năm tù.
Giải cứu thành công cháu bé 6 tuổi bị người tình của mẹ bắt cóc | |
Dời lịch xét xử cựu CSGT bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi 15 tỷ tiền chuộc ở Việt Hưng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại