Thứ sáu 19/04/2024 14:20

Vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Vợ chồng Nguyễn Thị Tuyết Mai, SN 1982; Trịnh Văn Hồng, SN 1985, cùng trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội, đều mang vẻ mặt ủ dột khi phải chung vành móng ngựa.


Có gian dối hay không?

Nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên Nguyễn Thị Tuyết Mai được tại ngoại. Phần vì nuôi con nhỏ, phần lo lắng cho số phận của mình, Mai gầy rộc. Hồng không xót xa cho vợ còn phủi trách nhiệm. Bị truy tố cùng tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, Hồng than rằng, làm giúp vì bấy giờ Mai có bầu, đi lại hạn chế. Như lời Hồng, Mai mới là “chủ xị”, bị cáo không hay biết gì. Thái độ khai báo này khiến vị đại diện VKSND TP Hà Nội phản đối. Kiểm sát viên khẳng định, Hồng là Phó GĐ, bị cáo biết rõ nội tình nhưng “giả vờ”.

Chung vành móng ngựa với vợ chồng Mai là Đỗ Mạnh Quyền, SN 1970, quê Hải Dương. Quyền cho hay, biết Mai qua ông Nguyễn Văn Việt, bố dượng của Mai. Từ ông Việt, Quyền đã đánh tiếng với những người có nhu cầu xuất khẩu lao động và thu tiền của họ.

Được các cơ quan tố tụng xác định là người vô can, ông Việt trình bày từng có ý định đưa con trai đi Hàn Quốc nên đã nhờ Mai. Nhưng sau, ông thay đổi ý định. Khi Mai chuyện trò, nhờ ông tìm mối dẫn đi Hàn Quốc, ông nhận lời. “Tôi coi Mai như con nên giúp chứ không mảy may suy tính lợi nhuận” – ông Việt khai. Mai tỏ ra hoạt ngôn, quả quyết rằng, bố dượng nói thế chưa đúng, giữa họ từng bàn bạc và thống nhất về việc đưa người đi lao động tại Hàn Quốc. Mai nói rằng, kinh doanh nhà hàng, ban đầu, bị cáo tính đưa 2 người Việt Nam sang Hàn Quốc để học nấu ăn rồi về làm cho cửa hàng của mình. Sau này, hám lợi, bị cáo mới nảy ý định trục lợi.

Đáng chú ý, xung quanh tình tiết của vụ án, HĐXX đặt nhiều câu hỏi để làm rõ, Quyền, Mai có hành vi gian dối không (nếu có gian dối thì phải là hành vi lừa đảo – PV). Ban đầu, CQCA từng khởi tố vụ án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ngày 20-2-2014, CQCA đình chỉ điều tra vụ án). Giai đoạn điều tra, Quyền từng nhận mình là Trưởng phòng nhân sự Cty TNHH Thương mại và dịch vụ RoDon (Cty RoDon). Nhưng tại tòa, cả Mai và Quyền thay đổi lời khai và cho rằng, Quyền không liên quan gì đến Cty này.


Vợ chồng Mai và Quyền tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Hoa Đỗ


Xuất ngoại bằng visa giả!

Buộc tội các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội phát biểu, tháng 8-2011, vợ chồng Mai thành lập Cty RoDon, chuyên về dịch vụ ăn uống. Trong đó, mẹ Mai, bà Đỗ Thị Kim Dung là GĐ; vợ chồng Mai là Phó GĐ. Do nhu cầu công việc, Mai thường lên mạng “nét” tìm hiểu món ăn Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ đây, Mai biết Daniel Gray, nhân viên kinh doanh của trường O’ngo Food Communication (O’ngo), trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc.

Qua Daniel, Mai được biết trường này thường tổ chức các tour du lịch, hội thảo kinh nghiệm nấu ăn về các món ăn cho người nước ngoài trong khoảng 1 tuần. Mai đã trao đổi với ông Việt và thống nhất tìm người đưa xuất cảnh sang Hàn Quốc dưới hình thức đi học nấu ăn. Thực chất, đường dây này đưa người lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp. Mai và bố dượng thỏa thuận, Mai lo thủ tục, ông Việt liên hệ với đối tượng có tên Giang, quê Thái Bình, người quen của bà Dung, đang lao động ở Hàn Quốc, để tìm việc. Ông Việt đã trao đổi và Quyền hợp tác. Quyền hứa, sẽ tìm người, thu tiền 6.500 USD/suất.

Giai đoạn điều tra, Quyền khai, nhận tiền từ người lao động, Quyền chuyển cho ông Việt 17.500 USD làm nhiều lần và nợ lại Việt 2.000 USD. Ông Việt thừa nhận, cầm của Quyền 16.000 USD, Quyền nợ lại 2.000 USD và ông chuyển cho Mai 16.200 USD. Mai đã liên lạc với trường O’ngo để làm thủ tục tham dự khóa học cho các lao động, chuyển học phí, 1.250 USD/người qua trang thanh toán trực tuyến Payplal. Chờ lâu mà chưa được xuất cảnh, người lao động đòi lại tiền. Đối phó, Mai bảo chồng làm giả vé và visa rồi đưa cho họ. Khi ông Việt đề nghị Quyền thu thêm 1.000 USD/suất, Quyền không đồng ý nên ông này rút lui.

Trong khi đó, hoàn tất các thủ tục đưa 4 người sang Hàn Quốc, Mai sai Hồng ký và đóng dấu vào hợp đồng lao động cho 4 lao động và bảo Hồng mang đến nộp tại Đại sứ quán Hàn Quốc. Hồng cũng là người làm các tờ khai xin visa và ký tên nộp hồ sơ cho người lao động tại Đại sứ quán.

Vì ông Việt bỏ cuộc, Mai đã nhờ bà Dung điện thoại cho Giang đón và bố trí công việc, chỗ ở cho người lao động và hứa trả công cho Giang 800 USD/người. Hòng trấn an người lao động, Mai cam kết chịu trách nhiệm bố trí việc làm cũng như sinh hoạt của các học viên. Ngày 3-2-2012, 4 lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc, Mai chuyển cho Giang 2.400 USD. Tháng 7-2012, cảnh sát Hàn Quốc phát hiện 2 lao động bất hợp pháp đã trục xuất về Việt Nam.

Ngoài phi vụ trên, Quyền và Mai còn đưa 4 người khác sang Hàn Quốc. Do không thể tiếp tục đưa lao động nhập cảnh Hàn Quốc như lần trước, Mai tìm hiểu được biết, nếu sang đảo Jeju Hàn Quốc, du lịch thì sẽ được miễn visa nhập cảnh. Mai đã nhờ bố của Koo Hee Che, người quen, bảo lãnh cho Mai và người lao động sang xứ Hàn.

Để hợp pháp hóa thủ tục, Mai lên mạng lấy mẫu hợp đồng lao động rồi điền các thông tin và giả mạo chữ ký, tạo hợp đồng giả. Mai cũng sai chồng lên mạng tải về hình mẫu visa Hàn Quốc, thay tên, năm sinh và số hộ chiếu của người lao động in ra và đưa cho Quyền. Sau đó, Hồng giao hợp đồng này, visa để Quyền đưa cho người lao động. Theo yêu cầu của Mai, Quyền thu của người lao động và đưa cho Hồng 3.500 USD để mua vé máy bay. Vợ chồng Mai đã đến đặt vé lịch trình Hà Nội – Quảng Châu – Thẩm Dương, Trung Quốc – Jeju, Hàn Quốc và dẫn đoàn đi Hàn Quốc. Mọi sự đổ bể khi ngày 17-9-2012, CA cửa khẩu Hàn Quốc giữ thẩm vấn đoàn người. Chuyến đi bất thành, Quyền mới trả được 8.000 USD và 15 triệu đồng cho người lao động.

Không chỉ có vậy, tháng 7-2012, Quyền còn giới thiệu cho Mai 2 người có nhu cầu đi Nhật Bản lao động khác.

Quá trình thẩm vấn, xét thấy còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng, HĐXX ngày 24-6-2014 của TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ.

Trước đó, ông Việt, bà Dung, được CQCA kết luận, đã tham gia giúp sức cho vợ chồng Mai nhưng có mức độ nên không truy cứu trách nhiệm.

Hoa Đỗ

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động