Vụ án cắt trộm cáp điện ngầm trị giá hơn 6 tỷ đồng ở Thanh Hóa: làm rõ vai trò đồng phạm tiêu thụ tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBa đối tượng trộm cáp điện ngầm cùng tang vật của vụ án. Ảnh: Công an Thanh Hóa |
Thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Công an huyện Quảng Xương và các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng điều tra, làm rõ và bắt giữ 3 đối tượng chuyên trộm cắp dây cáp điện tại các mặt bằng dự án dân cư đô thị trên địa bàn huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, từ tháng 1/2024 đến giữa tháng 8/2024, tại một số mặt bằng dự án dân cư đô thị thị trấn Tân Phong và xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cắt trộm dây cáp điện, gây thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là lựa chọn các mặt bằng có ít hộ gia đình sinh sống và vắng người qua lại, không có camera giám sát, lợi dụng trời tối sử dụng kìm, găng tay, xà beng để thực hiện hành vi phạm tội.
Sau thời gian khẩn trương điều tra, xác minh, Ban Chuyên án đã bắt giữ 3 đối tượng gồm: Lê Văn Lưu (SN 1995), Trần Văn Thành (SN 1992, đều trú tại huyện Yên Định) và Trịnh Thị Thủ (SN 1982, trú tại huyện Quảng Xương). Thu giữ tang vật gồm 2 kìm cắt dây cáp điện và nhiều đoạn dây điện lõi đồng đã được các đối tượng cắt ngắn để dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận: khoảng tháng 1/2024, đối tượng Lê Văn Lưu đã rủ Trần Văn Thành mang theo kìm cắt cáp đi xuống thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương tìm mặt bằng các dự án dân cư để cắt trộm dây cáp điện ngầm. Khi đến mặt bằng Tân Đoài có ít người qua lại, xung quanh mới có 1 gia đình ở nên đã chờ đến tối để thực hiện hành vi cắt trộm dây cáp điện ngầm. Sau đó liên hệ và bán cho Trịnh Thị Thủy là chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thị trấn Tân Phong với giá 165.000đ/1kg.
Chỉ tính từ ngày 4/1/2024 đến 6/2/2024, Lê Văn Lưu và Trần Văn Thành đã thực hiện việc trộm cắp dây cáp điện ngầm và bán cho Trịnh Thị Thủy 16 lần với tổng số tiền nhận được là 751 triệu đồng (tương đương với 4,552 tấn đồng).
Sau một thời gian không thấy tin tức gì về việc phát hiện mất cáp điện ngầm ở mặt bằng Tân Đoài, ngày 26/7/2024, Lê Văn Lưu và Trần Văn Thành tiếp tục đến mặt bằng mới thôn Xa Thư, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương có ít người sinh sống, chưa có điện chiếu sáng để vào đây trộm cắp. Tại đây, từ ngày 27/7/2024 đến 16/8/2024, các đối tượng đã thực hiện việc cắt trộm dây cáp ngầm và bán cho Trịnh Thị Thủy 15 lần với tổng số tiền nhận được là 484 triệu đồng (tương đương với 2,547 tấn đồng).
Ngày 22/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Lưu, Trần Văn Thành và Trịnh Thị Thủy. Đồng thời, tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mức án nào dành cho hành vi trộm cắp tài sản?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 3 Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, với hành vi ăn trộm dây cáp điện thuộc tội trộm cắp tài sản khi bị phát hiện, bắt giữ có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu tang vật trộm cắp của đối tượng nếu tang vật cũng như phương tiện vi phạm hành chính.
Nếu hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Trộm cắp tài sản”. Tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc và giá trị tài sản mà các đối tượng trộm cắp để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; tài sản là bảo vật quốc gia; Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, phía cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ vai trò đồng phạm tiêu thụ tài sản do phi pháp mà có sẽ được coi là đồng phạm và cùng chịu trách nhiệm với hành vi, tội như người trực tiếp phạm phải. Trong đó, các công trình, dự án xây dựng luôn là mục tiêu cho các đối tượng trộm cắp bởi đây là nơi có nhiều tài sản giá trị, thường thiếu vắng người bảo vệ… Các đối tượng thường lợi dụng sự bề bộn của các công trình, nhà ở, sự sơ hở của chủ sở hữu để thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Vì vậy, các chủ sỡ hữu phải cắt cử người bảo vệ, tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản của chính mình kết hợp với sự tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của từ phía chính quyền để phương, cơ quan chứ năng có thẩm quyền ở các khu vực có nguy cơ xảy ra các vụ trộm cắp để phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng trên có thể xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại