Vợ liệt sỹ 92 tuổi vẫn phải đáo tụng đình vì em chồng đòi chia thừa kế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Nguyễn Thị Toan, vợ liệt sỹ Nguyễn Nhật Phần mong muốn giữ lại nguyên vẹn thửa đất để thờ cúng tổ tiên, liệt sỹ |
Em chồng, chị dâu đáo tụng đình vì… đất đai
Dưới góc độ luật pháp, việc chia tài sản thừa kế tưởng chừng như rất đơn giản, chỉ là việc xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tôn tạo và các yếu tố liên quan. Nhưng trong thực tế lại khác rất nhiều, có nhiều vụ trọng án hoặc tìm mọi cách tẩu tán, chiếm đoạt tài sản thừa kế cho thấy sự phực tạp của các vụ án chia thừa kế.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối chia sẻ, có rất nhiều vấn đề đáng bàn liên quan đến các vụ án chia thừa kế. Trước tiên, phải kể đến nguyên nhân của các vấn đề tranh chấp chia thừa kế. Theo đó, cùng với sự phát triển của xã hội, giá trị tài sản thừa kế thường rất lớn và có giá trị. Các chuẩn mực đạo đức, con người thay đổi khi chú trọng vào giá trị vật chất hơn tình cảm.
Chính vì thế, nhiều khi con người trở nên tham lam, ích kỷ, vụ lợi hơn, sẵn sàng chà đạp lên mọi chuẩn mực, giá trị, đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật để được hưởng lợi nhiều hơn từ tài sản thừa kế. Hậu quả nhiều vụ chia thừa kế cũng dẫn đến việc chia cắt, ly gián tình cảm, anh em bất hòa, đổ vỡ tình cảm, thậm chí dẫn đến cả việc đâm giết nhau để tranh giành tài sản. Xu hướng coi giá trị vật chất, tài sản là yếu tố quyết định, trên hết đã làm che mờ đi các giá trị nhân văn, đạo đức. Đây là vấn đề rất đáng báo động và lưu tâm trong xã hội này.
Thửa đất đang xảy ra tranh chấp giữa em chồng và chị dâu |
Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp về chia thừa kế có thể dẫn đến những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là việc phân chia tài sản không công bằng, sự công bằng này không thể chỉ căn cứ luật là chia đều theo hàng thừa kế mà còn tính đến cả công sức của các thành viên (tôn tạo tài sản, nuôi dưỡng người để lại di sản), việc quản lý tài sản, thờ cúng, thừa kế, kế vị hoặc tạo dựng di chúc gây bất lợi cho người thừa kế khác.
Điển hình như vụ án ba người con gái dùng xăng đốt nhà mẹ xảy ra tại xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên gây rúng động dư luận. Vụ án đã được khởi tố để điều tra làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
Cũng tại tỉnh này, vụ án “tranh chấp thừa kề tài sản” giữa nguyên đơn là em chồng và bị đơn là chị dâu sắp được TAND tỉnh Hưng Yên đưa ra xét xử cũng được dư luận quan tâm rất nhiều. Dư luận quan tâm không chỉ là vụ án tranh chấp này xảy ra tại một gia đình chính sách mà là việc nguyên đơn và bị đơn đều ở trên tuổi đã cao tuổi. Nguyên đơn đi lấy chồng và sinh sống ở nơi khác gần 50 năm, bây giờ kiện đòi chia tài sản thừa kế, còn bị đơn là vợ liệt sỹ, toàn tâm, toàn ý chăm sóc, phụng dưỡng gia đình chồng, đồng thời là người tạo dựng, quản lý, sử dụng tài sản thừa kế và thờ cúng suốt hơn 60 năm qua.
Đòi chia thừa kế sau gần 50 năm đi lấy chồng
Theo tìm hiểu của PV, cụ Quách Thị Thẩn, trú tại thôn Vĩnh Lộc, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh được 3 người con. Trong đó, một người con trai đoản mệnh nên mất từ lúc thiếu thời; hai người còn lại là ông Nguyễn Nhật Phần, SN 1932 và bà Nguyễn Thị Dư, SN 1945. Năm 1961, ông Phần kết hôn với bà Nguyễn Thị Toan và sinh được hai người con gái. Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông Phần tham gia kháng chiến và hy sinh tại mặt trận phía Nam vào năm 1968. Mãi đến năm 1974, gia đình mới nhận được giấy báo tử và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Nhật Phần.
Bà Nguyễn Thị Toan đã tạo dựng, quản lý và sử dụng thửa đất hơn 60 năm |
Bà Toan kể, bố chồng mất sớm, chồng tham gia kháng chiến rồi hy sinh, bà Toan và mẹ chồng là hai lao động chính trong gia đình, nuôi dạy các em, các con khôn lớn. Khoảng năm 1975, bà Dư đi lấy chồng và sinh sống tại thôn Hoà Bình Hạ, xã Tân Tiến. Sau khi các con khôn lớn và lập gia đình riêng, một mình bà Toan phụng dưỡng mẹ già. Năm 1993, cụ Thẩn mất, một mình bà Toan trông nom, sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại, thờ cúng tổ tiên và liệt sỹ.
Khoảng năm 2018, giữa bà Dư và bà Toan có xảy ra mâu thuẫn liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế và đã được UBND xã Tân Tiến hoà giải nhiều lần. Gần cuối năm 2019, tức sau gần 50 năm đi lấy chồng, bà Dư chính thức gửi đơn khởi kiện, yêu cầu toà án chia thừa kế theo pháp luật, chia di sản thừa kế tài sản của bố mẹ để lại gồm: Thửa đất thổ cư có diện tích 527,4m2 và 2 thửa đất ruộng có tổng diện tích 764m2. Bà Dư cũng yêu cầu toà án huỷ các GCNQSDĐ đã cấp cho bà Toan.
Bà Toan cho biết, suốt từ năm1961 đến nay, bà Toan là người sinh sống ổn định, liên tục trên thửa đất và cũng là người kê khai, đứng tên trên bản đồ địa chính, sổ mục kê qua các thời kỳ, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Trước kia, hộ bà Nguyễn Thị Toan có hai nhân khẩu là cụ Thẩn và bà Toan. Sau khi cụ Thẩn mất, hộ gia đình chỉ còn một mình bà Toan và bà cũng là người duy nhất quản lý, sử dụng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ diện tích đất thổ cư và đất nông nghiệp, không có tranh chấp với bất kỳ ai suốt từ năm 1993 đến năm 2018.
Mặt khác, về nguồn gốc thửa đất thổ cư có diện tích 527,4m2 thê hiện trên bản đồ 299, bản đồ năm 1999 và bản đồ năm 2016 đều mang tên hộ bà Nguyễn Thị Toan. Thửa đất được cấp GCNQSDĐ vào năm 2001 và 2018 đều mang tên hộ bà Nguyễn Thị Toan, sau đó được cấp lại mang tên bà Nguyễn Thị Toan vào năm 2020.
Về nguồn gốc các thửa đất nông nghiệp, trước kia cụ Thẩn được chia 1 khẩu và được hưởng đất hương hoả liệt sỹ với tổng diện tích 672m2, còn bà Toan được chia 1 khẩu, tương đương 600m2 đất nông nghiệp. Năm 1996 và năm 2004, hộ bà Toan được cấp sổ đất nông nghiệp với tổng diện tích 1.272m2. Sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, bà Toan chỉ còn lại 764m2 đất nông nghiệp.
Về việc cấp GCNQSDĐ, hồ sơ thể hiện, việc cấp lại và cấp đổi GCNQSDĐ từ hộ bà Nguyễn Thị Toan sang bà Nguyễn Thị Toan đã được thực hiện đầy đủ, được thông báo, niêm yết công khai theo quy định của pháp luật và không xảy ra việc khiếu nại liên quan đến việc này.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra đánh giá, khi xảy ra tranh chấp, chính quyền địa phương đã hoà giải nhiều lần nhưng không thành. Thời điểm bà Dư khởi kiện vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản và việc toà án thụ lý vụ án là đúng theo quy định của pháp luật. Toà án sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án và các chứng cứ khác để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
“Tôi tin rằng, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết công tâm, vừa đảm bảo sự “công bằng” vừa đảm bảo được yếu tố kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Sự công bằng ở đây chưa hẳn là việc chia đều di sản thừa kế theo như quy định của pháp luật mà còn xét ở khía cạnh hoàn cảnh gia đình, công sức nuôi dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo, sử dụng, quản lý tài sản…”, Luật sư Đinh Thị Nguyên nói.
Còn bà Nguyễn Thị Toan cũng mong muốn, TAND tỉnh Hưng Yên sẽ đưa ra phán quyết công tâm, ghi nhận công sức nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ chồng lúc còn sống và thờ cúng tổ tiên và liệt sỹ, cũng như việc tạo dựng, sử dụng và quản lý đất đai trong suốt hơn 60 năm qua.
Dự kiến, sáng 13/2, TAND tỉnh Hưng Yên sẽ đưa vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản” này ra xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Lý do VKSND kháng nghị vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà... | |
Cháy "nhà tranh chấp", 2 chị em thương vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại