Thứ tư 24/04/2024 02:53

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gia tăng rất đáng lo ngại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 15/5 tại TP. Vĩnh Yên, Sở Y tế Vĩnh Phúc cùng Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc đã tổ chức tập huấn triển khai chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng và khám sàng lọc các rối loạn tâm thần, bệnh tự kỷ ở trẻ em năm 2023.
Vĩnh Phúc: Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gia tăng rất đáng lo ngại
Cán bộ y tế trên địa bàn Vĩnh Phúc tham gia tập huấn triển khai chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng và khám sàng lọc các rối loạn tâm thần, bệnh tự kỷ ở trẻ em năm 2023.

Rối loạn tâm thần - căn bệnh giấu mặt nguy hiểm

Phát biểu khai mạc tập huấn, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cho biết: Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm khắc phục những khó khăn hạn chế còn tồn tại trong công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn Vĩnh Phúc. Đồng thời, trang bị những kiến thức cho nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở của 136 xã, phường, thị trấn về cách phát hiện, sàng lọc một số rối loạn tâm thần và tự kỷ ở trẻ em.

“Nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Cụ thể chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần, tập trung xây dụng mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng đã bao phủ 63 tỉnh thành, đã lồng ghép sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước hiện có khoảng 45 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, và hàng chục khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa, trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các địa phương” – bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gia tăng rất đáng lo ngại
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc chương trình Tập huấn.

Thực tế cho thấy, sức khỏe tâm thần được xem như gánh nặng không xác định và giấu mặt, bởi nó gây tổn thất về kinh tế và xã hội với gia đình, cộng đồng và đất nước. Gần đây chúng ta thường xem trên phương tiện thông tin đại chúng có những bệnh nhân tâm thần gây án khá nhiều cho gia đình, cộng đồng.

Bệnh nhân có rối loạn tâm thần sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, với những rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt thì hầu như ít có thể tiếp tục nghề nghiệp mà chỉ có thể làm được những việc giản đơn. Ngoài ra những bệnh nhân rối loạn tâm thần tùy mức độ mà gây tốn kém khá nhiều cho gia đình xã hội. Hậu quả có thể là tự sát, tổn thất do bệnh nhân phải bỏ việc và chính gia đình bệnh nhân phải gánh chi phí chăm sóc, giảm chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình.

Số lượng bệnh nhân tâm thần gia tăng...

Riêng ở tỉnh Vĩnh Phúc, thống kê của bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc cho biết những năm gần đây số lượng mắc bệnh tâm thần xu hướng tăng cao, đặc biệt là các rối nhiễu tâm trí và các sang chấn tâm lý ở tuổi trẻ.

Tính đến tháng 12/2022 số bệnh nhân tâm thần đang quản lý tại cộng đồng là 4334 bệnh nhân, trong đó: 1251 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1667 bệnh nhân động kinh, 74 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1342 bệnh nhân.

Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, loạn thần sau chấn thương hay do các chất gây nghiện…chiếm khoảng 15%-20% dân số (khoảng 13-18 triệu người). Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Trong đó khoảng 80% số người này sống ở xã, phường, thị trấn trong khi các bệnh viện cũng chỉ có hơn 6.500 giường bệnh nên thường xuyên quá tải. Ngoài ra, còn có 10.000 người đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Như vậy, hiện có khoảng 724.000 người bệnh tâm thần sống tại cộng đồng, trong đó hơn 440.000 người có nhiều nguy cơ tái phát bệnh.

Đặc biệt thời gian gần đây Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, các sang chấn tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, trầm cảm ở phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ đang có xu hướng tăng, trong số đó có cả học sinh, sinh viên.

Khảo sát của Bệnh viện tâm thần Vĩnh Phúc tại 9 trường Trung học phổ thông trên địa bàn TP Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, Bình Xuyên trong các năm 2018, 2019, 2020 với tổng số 5.308 học sinh, kết quả có 5.8% học sinh được khảo sát có nguy cơ của rối loạn trầm cảm.

Hội nghị tập huấn triển khai chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, cũng đã nêu rõ một số nguyên nhân dẫn đến “thực trạng” gia tăng bệnh nhân tâm thần. Trong đó phải kể đến các nguyên nhân áp lực cuộc sống, tình trạng lạm dụng rượu bia, chất kích thích như thuốc lá điện tử, ma túy, và cả việc lệ thuộc thiết bị cộng nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, nghiện game…

Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh thế nào?

Bác sĩ Lê Văn Tuấn, Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cho biết, trước đây công tác khám chữa bệnh tâm thần được triển khai từ nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên hiện tại nguồn vốn này bị cắt giảm, và giao về cho địa phương tự chủ, cho nên với những tỉnh có nguồn thu ngân sách hạn chế, cũng sẽ là một khó khăn trở ngại trong vấn đề triên khai công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần.

“Riêng tại Vĩnh Phúc, từ tháng 9/2022 công tác thu dung bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần đã có bước cải thiện, gần đạt 100 phần trăm kế hoạch yêu cầu. Trong năm 2022 Vĩnh Phúc được đoàn giám sát của Bộ Y tế đánh giá công tác khám chữa bệnh, phát hiện cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần trên địa bàn được triển khai thực hiện rất tốt. Hơn 4.300 bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh đều có hồ sơ quản lý.” - Bác sĩ Lê Văn Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại hạn chế như ghi sai y lệnh, ghi sai tên thuốc điều trị. Thực tế cho thấy, công tác khám chữa sàng lọc bệnh rất khó khăn chứ không như các bệnh khác.

“Người mắc bệnh tâm thần có khi người ta giấu bệnh. Thậm chí có trường hợp cán bộ y tế đến điều tra, hỏi bệnh thì còn bị gia đình bệnh nhân mắng chửi, bất hợp tác và đuổi ra khỏi nhà. Chưa kể việc người bệnh có những diễn biến tâm lý rất bất thường, và có hành vi bộc phát rất khó lường. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về bệnh tâm thần vẫn còn thiếu và yếu, thậm chí có nhiều cơ sở y tế, nhất là tuyến xã không có bác sĩ chuyên khoa về bảo vệ sức khỏe tâm thần." – Bác sĩ Lê Văn Tuấn chia sẻ thêm.

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gia tăng rất đáng lo ngại
Vĩnh Phúc là địa phương được Bộ Y tế đánh giá làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Để khắc phục những khó khăn hạn chế, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cho biết, việc tập huấn nhằm trang bị kiến thức cho cán bộ y tế, và tiến hành bước tiếp theo là tổ chức khám phát hiện bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế là những nội dung được quan tâm.

“Về chuyên môn trước hết Bệnh viện Tâm thần sẽ có các Bác sĩ hỗ trợ, nhưng lâu dài thì các cơ sở y tế tuyến xã cần tự chủ trong việc khắc phục khó khăn này – cần bố trí cán bộ y tế học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng đòi hỏi từ thực tế hiện nay” – bác sĩ Lê Văn Tuấn nói.

Mặc dù đây là căn bệnh nguy hiểm, và phức tạp trong điều trị, nhưng thực tế cũng cho thấy, nhiều người dân khi mắc bệnh lại không biết đến đâu để chữa bệnh – bệnh nhân phải về Hà Nội khám chữa, đi lại tốn kém thời gian chi phí, mà gây áp lực cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Do vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người biết Vĩnh Phúc là địa phương có khả năng khám điều trị bệnh tâm thần rất tốt, như Bộ Y tế đã đánh giá, ghi nhận là rất cần thiết. Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc chính là cơ sở điều trị bệnh hiệu quả không thua kém gì so với các tuyến bệnh viện ở Trung ương.

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh khi người tâm thần phạm tội Kỳ 1: Nỗi ám ảnh khi người tâm thần phạm tội

Nỗi ám ảnh về những vụ án do người tâm thần gây ra dường như khó nguôi ngoai, bởi rất nhiều nạn nhân là người ...

Kỳ 2: Ứng xử thế nào với người tâm thần và người tâm thần phạm tội Kỳ 2: Ứng xử thế nào với người tâm thần và người tâm thần phạm tội

Những vụ án nghiêm trọng do người tâm thần gây ra là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ phạm tội khi họ sống trong ...

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động