Kỳ 2: Ứng xử thế nào với người tâm thần và người tâm thần phạm tội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVề thăm mẹ, anh N.Đ.S. đã bị kẻ tâm thần sát hại |
Sự chủ quan là một phần nguyên do người tâm thần gây án
Người tâm thần sống cùng gia đình và cộng đồng, nhưng phần vì chủ quan, phần nữa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, nhiều trường hợp không muốn đưa anh, em hoặc con cái của mình vào các trung tâm để chữa trị, bệnh không được chữa, người tâm thần gây án là điều rất dễ xảy ra. Nhất là đối với những người tâm thần phân liệt nặng.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 21 BLHS hiện hành quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tuy nhiên, luật sư Hạnh lưu ý, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất. “Tại khoản 2, Điều 49 BLHS 2015 quy định, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1, trước khi bị kết án sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng thời gian qua, thực trạng người có biểu hiện tâm thần gây án tại các vẫn liên tiếp xảy ra gây nhức nhối xã hội. Thực tế cho thấy, số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, theo dõi, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Nhiều người có biểu hiện liên quan đến mắc bệnh tâm thần nhưng không phải ai cũng được phát hiện, quan tâm và điều trị dứt điểm dẫn đến bệnh kéo dài, trở nặng, người bệnh có những thời điểm không kiểm soát được hành vi của mình dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Cũng có những trường hợp, người bệnh tuy đã được chữa trị tại cơ sở chuyên môn nhưng do nhiều lý do khác nhau, thậm chí có gia đình chủ quan cho rằng người bệnh đã ổn định nên bỏ dở việc điều trị giữa chừng, đưa về nhà tự chăm sóc, điều trị, quản lý… điều này tiềm ẩn những nguy hiểm rất lớn đến từ người bệnh.
Đối tượng Hà Đức Chăn- kẻ đã xuống tay sát hại cháu họ mới 5 tuổi |
Chưa có giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của người tâm thần
Vào 12/5/2022, tại nhà bà N.T.P. người dân thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phát hiện anh N.Đ.S, SN 1985, trú xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - là con trai bà P vừa về thăm mẹ, nằm chết trên giường, dưới nền nhà có nhiều vết máu, cạnh đó có 2 con dao nhọn. Ngay sau đó người dân đã trình báo cơ quan chức năng.
Sau hơn 1 ngày điều tra, xác minh CA tỉnh Hà Tĩnh, CA huyện Hương Sơn đã phát hiện, bắt giữ được đối tượng Nguyễn Ngọc Nhung, SN 1968, trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn. Nhung được xác định là hung thủ dùng dao sát hại anh N.Đ.S. Điều đáng đau lòng, Nhung là đối tượng bị bệnh tâm thần, không biết chữ, được điều trị tại gia đình nhưng lại thường xuyên đi lang thang trên địa bàn.
Ngày 14/3/2021, cái chết bất ngờ của bé gái S.N.D.N, 5 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, với nhiều vết cắt trên cổ đã gây chấn động làng quê yên bình, là sự ám ảnh đối với nhân chứng, những người đầu tiên đưa bé gái đi cấp cứu tại Trung tâm y tế xã. Hung thủ gây ra cái chết của bé N là Hà Đức Chăn (51 tuổi) - ông họ của cháu bé. Chăn là người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt, được điều trị lần đầu từ năm 2008 tại BVĐK Bắc Kạn.
Từ đó đến khi gây án, đối tượng vẫn thường xuyên đi thăm khám, uống thuốc theo đơn do bác sỹ chỉ định. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm, có chiều hướng tăng nặng theo tuổi tác. Nhiều lần Chăn làm cho gia đình, làng xóm sợ hãi bởi những hành động bất thường.
Hiện nay nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đang được quản lý và điều trị tại cộng đồng, họ được cấp thuốc điều trị thường xuyên, được gia đình chăm sóc, ngược lại họ cũng có thể hỗ trợ người thân làm những công việc nhẹ nhàng trong gia đình, thậm chí có người vẫn có thể đi làm thợ xây, đi chợ bán hàng...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại tình trạng một số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thường xuyên kích động, quậy phá, đi lang thang gây rối trật tự công cộng nhưng do gia đình không đủ điều kiện về kinh tế, nhân lực nên không thể đưa bệnh nhân đi khám, điều trị chuyên khoa tâm thần được. Thực trạng này dẫn tới việc tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng, tiềm ẩn nguy cơ người bệnh gây ra các hành vi nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xung quanh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó chủ yếu là vấn đề người bệnh không được phát hiện bệnh sớm, khám và điều trị kịp thời, dẫn tới việc các hoang tưởng, ảo giác ngày càng nặng hơn, chi phối tư duy của bệnh nhân và làm cho bệnh nhân gây ra những hành vi nguy hiểm.
Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; kể cả khi họ đã gây án, nếu như mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì pháp luật cũng không áp dụng chế tài hình sự đối với người tâm thần.
Hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, cũng như chưa có giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ trong khi những người này tiếp tục sống trong cộng đồng. Cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Nếu sống chung với bệnh nhân tâm thần, để tránh các vụ án thương tâm do người bệnh mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì người nhà cần quan tâm, chăm sóc người bệnh; đừng bỏ mặc họ dẫn tới những trường hợp hết sức thương tâm. Cần bố trí khu vực nơi ở cho người bệnh cần đảm bảo khoảng cách an toàn với những người thân còn lại trong gia đình; cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn hàng ngày để thuyên giảm triệu chứng bệnh; Không để gần người bệnh các đồ vật sắc nhọn có khả năng trở thành hung khí nguy hiểm; không để cho người bệnh bức xúc, tức giận dễ gây nên tình trạng mất kiểm soát. Người nhà cần chú ý theo dõi tình hình bệnh sát sao của bệnh nhân để nếu phát hiện các biểu hiên bất thường thể hiện bệnh tình ngày càng nghiêm trọng thì nên cần sự hỗ trợ từ cơ sở khám chữa bệnh. Đối với những người bệnh nặng thì cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là nhập viện điều trị. Trường hợp người bị bệnh mắc bệnh tâm thần đang điều trị tại nhà có dấu hiệu tái phát thì người thân cần nhanh chóng đưa họ vào bệnh viện tâm thần để tái khám và cần thiết ở lại viện để điều trị cho đến khi an toàn, tình trạng bệnh thuyên giảm mới cho về nhà. |
Kỳ 1: Nỗi ám ảnh khi người tâm thần phạm tội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại