Người gây án có tiền sử bệnh tâm thần bị xử lý thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường nơi xảy ra vụ người có dấu hiệu tâm thần gây án. Ảnh: CACC |
Ngày 12/5, Công an tỉnh Bắc Giang thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra vụ án xảy ra ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Theo thông tin ban đầu, vào 11h25 ngày 10/5, Công an huyện Hiệp Hoà tiếp nhận tin báo của Công an thị trấn Thắng với nội dung tại gia đình anh H.G.P, SN 1978 có địa chỉ tạiTtổ dân phố số 2, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà, H.G.L (em ruột anh P) là người có biểu hiện tâm thần đã dùng dao chém bà H.T.T (mẹ đẻ, SN 1948) và cháu H.G.V.Q (SN 2017, con trai anh P).
Hậu quả bà T và cháu Q bị thương tích phải đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Sau khi gây án, H.G.L đã đóng cửa, cố thủ trong nhà, không cho mọi người tiếp cận.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai phương án xử lý nhanh chóng khống chế, bắt giữ đối tượng an toàn và bàn giao đối tượng, tang vật, tài liệu liên quan cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, theo quy định pháp luật, người tâm thần gây án sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những trường hợp người mắc bệnh tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội.
Theo đó, Điều 21, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không thì cơ quan chức năng sẽ đưa đối tượng đi trưng cầu giám định, bởi đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại tại khoản 1 Điều 206, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
“Việc nghi phạm từng có tiểu sử bệnh tâm thần chỉ là một trong những căn cứ để xác định hành vi phạm tội. Cơ quan chức năng sẽ chứng minh tại thời điểm gây án, anh L có mắc bệnh tâm thần hay không? Một số trường hợp dù mắc bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm phạm tội họ hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.
Nghi phạm L nếu bị bệnh tâm thần nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nghi phạm L có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”, được quy định tại khoản 1 Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Người tâm thần gây án sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc theo Điều 49, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh thì viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Ngoài ra, thực tế ranh giới để xác định mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội đôi khi rất mong manh, yêu cầu cơ quan điều tra phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng” - luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Một bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, để kết luận một người mắc bệnh tâm thần hay không cần phải khám, theo dõi về mặt lâm sàng trong thời gian nhất định. Đặc biệt, nhiều người ở giai đoạn rất nặng mới được phát hiện. Có những người đã mang mầm bệnh từ lâu mà không biết rồi đi gây án trong vô thức.
“Đối với vụ án trên, cơ quan điều tra cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với anh H.G.L.. Đồng thời, xem xét toàn diện, thật kĩ lưỡng tất cả các yếu tố tác động đến nhận thức và tâm lý của đối tượng này khi phạm tội, thu thập các vật chứng, vật phẩm nghi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích của đối tượng để có căn cứ xử lý” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay.
Một người đàn ông bất ngờ bị hàng xóm đâm tử vong | |
Tài xế xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn, gây tai nạn đối mặt án phạt nào? | |
Người tâm thần gây án ở Hải Phòng bị xử lý như thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại