Thứ ba 14/05/2024 18:03

Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa Lam Phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 23-12 (giờ Việt Nam), nhạc sĩ Lam Phương qua đời tại Mỹ, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới nghệ sĩ và công chúng Việt.

Ông vua của dòng nhạc trữ tình

Nhạc sĩ Lam Phương, tên thật là Lâm Đình Phùng, SN 1937, quê ở Kiên Giang. Ông là nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 170 tác phẩm phổ biến từ thập niên 1950 đến nay. Nhạc sĩ Lam Phương viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy năm 15 tuổi tại Sài Gòn. Sau đó, ông sáng tác các ca khúc mang âm hưởng tươi vui như: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nhạc tình khuya,… Các ca khúc nổi tiếng nhất của ông phải kể đến như: Kiếp nghèo, Thành phố buồn, Khóc thầm, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc…

Nhạc sĩ Lam Phương từng chia sẻ, những bài hát đầu đời được ông sáng tác khi “tâm hồn còn trong trắng”. Trong đó, bài Kiếp nghèo được sáng tác từ tâm thế của cậu học sinh nhà nghèo, viết nhạc để kiếm tiền đi học và trang trải cuộc sống. Sau Kiếp nghèo, nhạc sĩ Lam Phương sáng tác một loạt bài nhạc tình được khán giả yêu thích: Biển tình, Em là tất cả, Biển sầu... Đến thập niên 1960, ca khúc nổi tiếng Thành phố buồn được ông sáng tác trong một lần lên Đà Lạt. Ca khúc được bán với giá 12 triệu đồng, một tài sản rất lớn vào thời điểm đó. Không chỉ được các ca sĩ biểu diễn trên sân khấu, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương còn được sử dụng trong các vở kịch, để lại nhiều dấu ấn cho khán giả.

Điều khán giả yêu thích nhất âm nhạc của Lam Phương là sự lãng mạn, bình dân, mềm mại, uyển chuyển, ai cũng có thể lắng nghe và thấu hiểu. Không chỉ các nghệ sĩ cùng thời mà nghệ sĩ các thế hệ sau cũng yêu thích và lựa chọn âm nhạc của Lam Phương để gắn bó. Tiêu biểu như gần đây, ca sĩ Đức Tuấn đã ra mắt album “Trọn một kiếp yêu”, làm mới các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương.

Năm 1975, nhạc sĩ Lam Phương cùng gia đình sang Mỹ định cư. Về sau, ông có thời gian sống ở Pháp trước khi trở lại Mỹ và sống đến cuối đời. Về đời sống riêng, Lam Phương kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng vào năm 1959. Bà lập ra đoàn kịch Sống - Túy Hồng, đưa tên tuổi hai vợ chồng trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật Sài Gòn.

vinh biet nhac si tai hoa lam phuong
Nhạc sĩ Lam Phương có nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.

Người nghệ sĩ khiêm nhường, hiền hậu

Không chỉ tài năng trong chuyên môn, nhạc sĩ Lam Phương còn được bạn bè, đồng nghiệp và khán giả đặc biệt yêu mến bởi đức tính khiêm nhường, hiền hậu và trọng chữ tín. Nữ ca sĩ Thanh Hà là người gắn bó với âm nhạc Lam Phương trong nhiều năm. Cô chia sẻ, lần đầu gặp nhạc sĩ Lam Phương ở một quán cà phê. Ông ấn tượng với giọng hát buồn của Thanh Hà nên đã giới thiệu cô vào một trung tâm ca nhạc và giúp đỡ cô từ đó. Vào những năm 1994, 1995, chính nhạc sĩ Lam Phương là người lái xe đưa Thanh Hà đi biểu diễn.

Năm 22, 23 tuổi, sau lần yêu đầu rồi chia tay, Thanh Hà rất đau khổ, cứ vào phòng thu là khóc. Để động viên cô, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác ca khúc “Cảm ơn người tình”. Những kỷ niệm thân thương với người thầy âm nhạc luôn sống mãi trong trái tim Thanh Hà. Năm 2019, trong buổi họp báo giới thiệu live show “Trăm nhớ ngàn thương” để kỷ niệm 70 năm âm nhạc Lam Phương, ca sĩ Thanh Hà không giấu sự xúc động, cô chia sẻ: “Nhạc sĩ Lam Phương từng ngồi trên xe lăn, ở sau cánh gà sân khấu để nghe từng ca sĩ hát ca khúc của tôi. Có đôi khi tôi hát sai một vài chữ, chạy vào ôm và xin lỗi chú. Chú bảo chú không quan tâm vì mình đã truyền tải được tình cảm chú gửi gắm vào ca khúc”. Những tháng ngày trên đất Mỹ với ca sĩ Thanh Hà luôn có sự ấm áp của tình người, của các đồng nghiệp, của các khán giả và của cả các bậc tiền bối, các nhạc sĩ đi trước... “Rồi những lần đi show cùng chú khắp các nơi phục vụ khán giả người Việt. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, con sẽ vẫn còn hát nhạc của chú và giữ hình ảnh của chú trong trái tim mình” , Thanh Hà kể lại.

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh cũng từng thử sức với dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Lam Phương. Năm 2018, cô thực hiện series live music video với tên gọi Lam Phương - The Gift. Khi biết tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời, cô không khỏi xúc động. “Chúng con sẽ luôn nhớ về bác và những kỷ niệm ở California thật đẹp. Chúng con xin gửi lời chào tạm biệt đến bác Lam Phương bằng tất cả sự thương yêu, kính trọng. Mong bác an nghỉ”.

Nữ ca sĩ Thanh Thảo cũng nhiều lần hát nhạc Lam Phương. Mỗi lần xin phép nhạc sĩ được hát các ca khúc của ông, ông đều rất vui và động viên cô tiếp tục theo đuổi âm nhạc, Thanh Thảo cũng cho biết cô vẫn ấp ủ việc hát nhạc Lam Phương trong các album sắp tới.

Nam ca sĩ Đức Tuấn từng gặp nhạc sĩ Lam Phương nhiều lần khi lưu diễn tại Mỹ. Anh rất yêu thích và thường lựa chọn các ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương để biểu diễn. “Hai chú cháu đều là dân miền Tây nên nói chuyện hợp lắm, âm nhạc của chú thì thấm trong máu từ lúc mới sinh ra đời, nên 2 chú cháu thân thiết với nhau như đã được gặp chú từ lâu”, Đức Tuấn chia sẻ.

Để đánh dấu cột mốc 70 năm âm nhạc Lam Phương đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20-21, gia đình nhạc sĩ Lam Phương đã trân trọng kính mời quý khán giả viết đôi dòng cảm tưởng về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông. với hy vọng những dòng thân thương về nhạc sĩ chính là một món quà ý nghĩa dành tặng cho ông và hành trình 70 năm sự nghiệp âm nhạc của ông. Được biết, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sẽ tổ chức tang lễ cho ông ở cả Mỹ và Việt Nam.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động