Thứ ba 26/11/2024 18:26

Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn một số quốc gia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
So sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20-3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Sáng 1-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2020 khi nền kinh tế đi qua quý đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn mới, sẽ đưa ra các quyết sách quan trọng mà người dân quan tâm.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới ghi nhận 788.000 ca mắc bệnh Covid-19 tại 202 vùng quốc gia, vùng lãnh thổ, với 37.884 trường hợp tử vong. Mỹ và Italia là hai quốc gia ghi nhận hơn 100 nghìn ca mắc.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chưa có nước nào dự đoán được thời điểm kết thúc của dịch này. Hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ mà trước đây còn do dự như: đóng cửa biên giới, cấm, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14, phong tỏa cả thành phố hay phong tỏa cả quốc gia.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 212 ca nhiễm Covid-19, có 5 tỉnh thành phố ghi nhận ghi nhận số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Ninh Bình. Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tới 66 nghìn người, trong đó hơn một nửa phải cách ly tại các khu cách ly tập trung; dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố. Báo cáo ban đầu cho thấy có tới 60,1% không có triệu chứng (có thể do chúng ta phát hiện sớm ngay từ khi nhập cảnh).

Tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc những trường hợp nhập cảnh có mang vi-rút nhưng chưa phát hiện lâm sàng. Có thể trong những ngày tới sẽ phát hiện thêm những ca nhiễm vi-rút trong cộng đồng.

So sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20-3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá.

Để ngăn chặn dịch xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhập cảnh, tạm dừng thị thực, cấp, tạm dừng nhập cảnh, tạm dừng các chuyến bay, cách ly 14 ngày khi nhập cảnh, huy động quân động trong ngăn chặn, cách ly theo diễn biến dịch bệnh của các nước trên thế giới từ mức độ thấp đến cao, xử lý tình huống theo từng quốc gia, từng khu vực và được nâng lên ở mức toàn cầu.

viet nam kiem soat dich covid 19 tot hon mot so quoc gia
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Nhờ chính sách như vậy chúng ta đã đảm bảo được lưu thông hàng hóa và kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập. Các biện pháp trong nước cũng được thực hiện theo từng cấp độ, từ khuyến cáo, hạn chế, tạm dừng, đóng cửa; từ khuyến cáo hạn chế đông người đến quy định số lượng cụ thể. Các biện pháp áp dụng của Việt Nam linh hoạt nhưng cương quyết, với phương châm dự phòng là chính nên các hoạt động bao giờ cũng cao hơn mức khuyến cáo, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã tổ chức phân loại, thu dung phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện, ban hành sớm, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị. Kết quả, Việt Nam đã điều trị khỏi 58 trường hợp, ngày hôm nay sẽ có thêm 5 trường hợp nữa; các bệnh nhận nặng đã khá hơn, cho đến nay cho kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.

Về xét nghiệm phát hiện sớm, chúng ta triển khai tích cực xét nghiệm để đảm bảo chủ động về xét nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất đồng bộ kít xét nghiệm, là một trong những quốc gia đầu tiên nuôi cấy thành công về vi rút, hiện nay đang phối hợp với các nhà khoa học Anh để nghiên cứu vắc-xin.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các địa phương, công tác phòng chống dịch đã thành công trong 2 giai đoạn và đang kiểm soát được giai đoạn 3 trong 15 ngày tới là giai đoạn vô cùng quan trọng với mục đích là kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm lại quá trình lây nhiễm để ứng phó tốt hơn với nguồn bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm chống dịch như chống giặc, thực hiện 4 tại chỗ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia phòng chống dịch…

Đồng thời, tiếp tục rà soát các kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, kể cả tình huống xấu, tình huống có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp, để đảm bảo chủ động, kịp thời trong ứng phó.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Dự thảo nêu rõ, có 4 nguyên tắc hỗ trợ gồm: các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm đời sống cho người lao động; việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện.

Nội dung hỗ trợ gồm 6 nội dung: Hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng trong 3 tháng cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 1,8 triệu/tháng trong 3 tháng cho lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập; người sử dụng lao động được vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị nghỉ việc trong 3 tháng; hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 đối với các hộ cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng kể từ tháng 4 đến tháng 6 cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết, hợp đồng lao động mất việc làm. Các trường hợp đủ điều kiện hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.

Bên cạnh đó có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù, cho áp dụng quy trình đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên và cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ tiền quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân hàng chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động