Thứ sáu 17/05/2024 15:35

Việt Nam có bao nhiêu trẻ tử vong do Covid-19?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi so với số mắc chung của toàn quốc là 19,2%. Với 165 trẻ tử vong, tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42% so với tử vong chung do Covid-19.
Việt Nam đã có bao nhiêu trẻ tử vong do Covid-19?
Số trẻ em nhiễm Covid-19 tại Việt Nam chiếm 19,2% tổng số ca nhiễm (ảnh minh hoạ)

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 ngày 16-2, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 2,5 triệu ca mắc Covid-19, với hơn 39.000 ca tử vong, chiếm khoảng 1,5%. Khoảng 80.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có gần 3.000 ca nặng.

Tỷ lệ mắc của trẻ dưới 18 tuổi so với mắc chung toàn quốc là 19,2% (khoảng 490.000 ca), trong đó độ tuổi 0-2 chiếm gần 4%; từ 3-5 tuổi chiếm gần 3%; từ 6-12 chiếm hơn 8%; và 13-17 tuổi chiếm gần 5%.

Với 165 trẻ tử vong, tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42% so với tử vong chung. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở trẻ 13-17 tuổi là 0,11%; từ 6-12 tuổi là 0,1%; và 0-2 tuổi là 0,18%.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo đến ngày 7-2, có hơn 32.000 trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19, chiếm tỷ lệ khoảng 6% tổng số mắc chung. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/ tổng số ca tử vong cộng dồn hơn 20.000 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Như vậy, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,15%. Phân tích gần 2.500 trẻ mắc Covid-19 thì có 165 ca ở mức độ nặng, nguy kịch.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo báo cáo đến ngày 7-2, tổng số trẻ em được khám, chẩn đoán mắc Covid-19 là 611, trong đó 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương. Có 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện, hiện còn 10 ca. Trong đó có 5 ca tử vong gồm 3 trẻ sơ sinh, một trẻ 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, một trẻ 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tổng số hơn 6.400 bệnh nhân Covid-19 có 617 trẻ dưới 16 tuổi, 21 trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch (khoảng 3,4%). Không có trường hợp nào tử vong là trẻ em, ngoài một trẻ sơ sinh là con của sản phụ mắc Covid-19, bị suy hô hấp, thai 32 tuần, tử vong trước mổ đẻ. Đa phần trẻ mắc triệu chứng lâm sàng nhẹ (chiếm 68%), ở mức trung bình là hơn 28%, có 21 ca nặng (chiếm 3,4%). Có 5 trẻ có bệnh lý nền (bệnh máu ác tính, béo phì..) chiếm chưa đến 1%.

Theo TS-BS. Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch.

Lưy ý khi chăm sóc trẻ nhiễm Covid-19 tại nhà

ThS-BS. Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi-Trường Đại học Y tế Công Cộng cho biết, phần lớn trẻ mắc Covid 19 không triệu chứng hoặc chủ yếu là các triệu chứng ở mức độ nhẹ: sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn. Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn.

Khi chăm sóc trẻ là F0 tại nhà, ngoài việc báo cho y tế địa phương thì cha mẹ cần theo dõi sát các diễn biến của trẻ; chuẩn bị thuốc và các vật dụng cần thiết cho chăm sóc trẻ gồm: Thuốc hạ sốt loại thường dùng cho trẻ và theo cân nặng; thuốc ho thảo dược và thuốc ho long đờm (chọn 1 loại thảo dược và 1 loại thuốc long đờm Tây y. Thời gian đầu trẻ có ho thì sử dụng thuốc ho thảo dược trước); các dung dịch xịt mũi, vệ sinh mũi họng để giảm sự khó chịu cho trẻ, giảm nguy cơ bội nhiễm.

Các thuốc tăng sức đề kháng và các vitamin B, C (với nhóm trẻ lớn) và multivitamin dạng siro (với trẻ nhỏ). Với những trẻ ăn uống, dinh dưỡng tốt, không mệt nhiều thì không quá cần thiết phải sử dụng vitamin.

Đảm bảo vấn đề dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề hàng đầu cần quan tâm. Chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng.

Đảm bảo bù đủ nước điện giải cho trẻ trong trường hợp trẻ có sốt cao liên tục: trẻ lớn, trẻ hợp tác thì bổ sung oresol, một số nước hoa quả. Trẻ trong độ tuổi bú mẹ: cho bú mẹ nhiều hơn.

Dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng và khoảng thời gian. Mặc quần áo thoáng , bỏ bỉm khi trẻ sốt...

Cần báo cho y tế địa phương khi trẻ gặp các dấu hiệu sau: Sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1 – 2 giờ nhiệt độ không giảm); Sốt cao quá 48 giờ; Mệt nhiều, ăn/uống/ bú kém hơn; Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 – 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút; SpO2 < 96%; Ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở. Trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.

Hầu hết viêm đường hô hấp trên tự hồi phục sau 1 – 2 tuần. Thường ngày thứ 7 – 10, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít diễn tiến nặng, ngày thứ 5 – 8 của bệnh.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động