Thứ ba 26/11/2024 01:55

Viêm đường hô hấp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ với các biểu hiện đau họng, nghẹt mũi, ho… thông thường là bệnh rất đơn giản khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, các căn bệnh này lại có thể dẫn đến biến chứng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam cho biết, vào mùa lạnh số ca mắc bệnh viêm nhiễm cấp đường hô hấp lại tăng lên, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ước tính 3 triệu ca. Nguyên nhân do môi trường ô nhiễm, do vi khuẩn, virus, nấm.

Theo PGS-TS. Dinh, thông thường, vi khuẩn gây bệnh bình thường sống ở mũi, họng, vật dụng gia đình như quần áo, chăn, chiếu… Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như trời lạnh, nơi ở ẩm thấp, cơ thể suy dinh dưỡng thì gây bệnh. Theo thống kê, trong quá trình hít không khí qua mũi để thở thì mỗi ngày người dân hít khoảng 10.000 vi sinh vật.


PGS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh: Mọi người cần chủ động vệ sinh mũi để phòng các bệnh về đường hô hấp.


Bình thường, các vi khuẩn này được lớp màng nhầy đẩy ra cửa mũi sau. Tuy nhiên, khi có khói bụi và các yếu tố tác nhân gây bệnh thì hệ thống lọc tự nhiên này bị yếu đi và gây bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn và vấn đề tim mạch...

Với trẻ em, WHO cảnh báo trong vòng 10-20 năm tới, tiêu chảy, viêm phổi sẽ là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em bởi liên quan đến các loại virus gây bệnh cúm, thủy đậu, virus hợp bào hô hấp, các virus nguy hiểm như virus Corona, H5N1. Các bé trong lứa tuổi từ 2 - 5 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh, nhẹ thì bị ho, sổ mũi, viêm phế quản và nặng hơn là viêm phổi. Điều đáng ngại là bệnh viêm đường hô hấp lây lan nhanh, không có thuốc đặc trị, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, biến chứng nhiễm trùng máu và gây tử vong.

PGS-TS. Dinh cảnh báo, mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh, nhất là những trẻ có một hay nhiều yếu tố như: Sinh thiếu tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Sống ở những nơi có thời tiết lạnh. Điều kiện kinh tế xã hội thấp, môi trường sống chật chội, đông đúc, kém vệ sinh. Cha mẹ hay người thân hút thuốc lá trong nhà. Các cháu đi nhà trẻ nguy cơ mắc bệnh lớn do tiếp xúc nhiều với không khí lạnh và nguy cơ lây nhiễm trong sinh hoạt cộng đồng; lây chéo giữa các cháu bị bệnh và không bị bệnh ở nhà trẻ.

Biểu hiện bệnh ở trẻ là sốt nặng, nhức đầu, rất mệt mỏi, ho khan, đau cuống họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, buồn nôn, ói mửa, hoặc tiêu chảy, đau nhức bắp thịt. Triệu chứng về mũi thường thấy như chảy nước mũi (75%); hắt hơi (60%); ngạt mũi (45%); chảy mũi xuống họng. Triệu chứng về họng và thanh quản như đau họng (50%); ngứa họng (30%); ho (40%); khản tiếng (30%).

Đặc biệt, trong môi trường không khí ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh về đường hộ hấp sẽ tăng gấp 2 lần. Nghiên cứu của ông Jacques Moussafir, Cty ARIA Technologies (Pháp) thì tại Hà Nội, có mức độ ô nhiễm tương đương TP Dehil và Karachi, 2 trong 10 TP ô nhiễm nhất thế giới. Hà Nội là một trong những TP ô nhiễm nhất châu Á và là TP ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á.

Nếu không có biện pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200 mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khi đó, số trường hợp nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020-đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ.

Để phòng các bệnh về đường hô hấp, PGS-TS. Dinh đưa ra lời khuyên mọi người-nhất là với trẻ nhỏ, cần ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe, nâng cao sức đề kháng nhằm ngăn chặn nhiều loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Giữ nơi ở thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh gió lùa.

Mùa lạnh cần mặc ấm nhất là khi ra khỏi nhà. Thường xuyên xịt nước biển sâu làm sạch niêm mạc mũi họng. Vệ sinh mũi họng với nước biển sâu có chứa khuynh diệp và bạc hà, giúp sát khuẩn mũi họng, loại bỏ bụi bẩn, dị nguyên và vi khuẩn. Khi bị nhiễm khuẩn cần làm sạch chất nhầy trong mũi với nước biển sâu sẽ làm long đờm, giảm ho, sát khuẩn và giảm phù nề đường hô hấp.


Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động