Thứ hai 29/04/2024 10:32

Về việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo ngành Y – Dược:

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Liên quan đến việc trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mở ngành đạo tạo Y đa khoa và Dược sĩ đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhằm có câu trả lời về vấn đề này, ngày 28-11 lãnh đạo nhà trường đã tổ chức buổi họp báo, cung cấp các thông tin liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Y - Dược là ngành đặc thù nên Bộ GD&ĐT rất thận trọng. Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ đã xây dựng cơ ngơi khang trang với gần 80 tỷ đồng và tuyển dụng đội ngũ giảng viên nên tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo Bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai Bộ thẩm định trực tiếp. Điều kiện của trường đáp ứng như yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Y tế có công văn đồng ý cho mở ngành, nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa. Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cơ quan quản lý ngành đồng ý với đề nghị của trường.

Những cơ sở vật chất trường Kinh doanh và Công nghệ đã đầu tư để mở ngành Y – Dược Ảnh: P.T

GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết: “Để được đào tạo các khoa nêu trên, các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị đào tạo của trường đạt tiêu chuẩn, mới đồng ý cho chúng tôi đào tạo 2 khoa nêu trên. Ngoài ra, nhà trường cũng đã liên kết và ký hợp đồng với các BV, để các sinh viên học ở trường đi thực tập. Chúng tôi đã tiến hành mời các bác sĩ có uy tín ở các BV lớn cùng các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ở các trường Đại học Y Hà Nội đã về hưu đến trường giảng dạy”.

GS.TS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Bộ Y tế đã có đoàn xuống tận trường để thẩm định những cái được và những cái chưa được. Đồng thời sau khi thẩm định đã có văn bản gửi cho trường, hiện tại chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD& ĐT là phải chỉ đạo, kiểm tra những cái chưa được. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT và đề xuất những tiêu chí, tiêu chuẩn khi mở ngành đào tạo y khoa. Những tiêu chí, tiêu chuẩn này chúng tôi phải dựa vào tiêu chuẩn của quốc tế để đưa ra. Vì thế, điều kiện cuối cùng để mở ngành đào tạo là phải đủ những tiêu chí đã đề ra”.

Trên thực tế, việc dư luận bày tỏ sự băn khoăn về trường Kinh doanh và công nghệ được đào tạo ngành Y bởi mấy lí do: Đây là trường đa ngành, trước nay chưa từng có tiền lệ đào tạo hai ngành trên. Thứ hai là trường ngoài công lập. Thứ ba là ngưỡng đầu vào của nhà trường nhiều năm trở lại đây không cao. Trong khi trình độ Y – Dược ở bậc ĐH đòi hỏi ngưỡng đầu vào rất cao. ĐH Y Hà Nội không năm nào lấy thí sinh dưới 26 điểm. ĐH Y Thái Bình, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Thái Nguyên đều có mức điểm tương tự. Vậy với mức điểm chỉ bằng sàn mà những năm trước ĐH Kinh doanh và Công nghệ tuyển học sinh, liệu chất lượng ngành Y trường này đào tạo có được đảm bảo?

Thông tin ban đầu từ lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, trường vừa có công văn gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) về việc xác định tổ hợp các môn thi để xét tuyển với hai ngành học này.

Theo đó, trường không xét tuyển theo học bạ mà chỉ xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia. Mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm. Học phí của ngành Y đa khoa là 50 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 25 triệu đồng/ năm.

Nhiều người lo ngại về chất lượng đầu vào của trường khi cho rằng trường nhận những thí sinh đủ 20 điểm trở lên, không có môn nào dưới 5 điềm là quá thấp. GS Trần Phương cho rằng, nhà trường không hề coi nhẹ chất lượng đầu vào. Đồng thời ông Phương cho biết, điểm trúng tuyển đầu vào không quan trọng bằng quá trình đào tạo cũng như việc học trong trường của các sinh viên và đầu ra của họ.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo (đầu vào và đầu ra) khi giảng dạy môn Y, Dược học của nhà trường, GS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Nếu anh tuyển dụng đầu vào lởm khởm, không chất lượng và đầu ra của anh cũng không đạt yêu cầu thì nhà tuyển dụng sẽ không tuyển dụng anh, như vậy sinh viên ra trường không có việc làm và trường sẽ không thể tiếp tục đào tạo, cuối cùng sẽ dẫn đến phá sản. Đó là điều rất dễ hiểu trong quy luật cung – cầu hiện nay”.

Tuy nhiên, căn cứ vào quyết định của Bộ GD&ĐT và thời điểm quyết định có hiệu lực thì trường chưa thể tuyển sinh hai ngành này trong năm nay vì đã qua thời gian tuyển sinh. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: Trường không thể tuyển sinh ngành này trong năm nay, vì đã hết hạn tuyển sinh theo lịch chung của cả nước. Việc cho phép mở ngành ở thời điểm này trước hết là do trường đã đảm bảo đủ điều kiện theo qui định. Thứ hai là để cho trường có kế hoạch thu hút thêm được giảng viên giỏi về tham gia giảng dạy, các giảng viên đã được tuyển dụng cũng yên tâm làm việc; trường cũng có thể tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai công tác đào tạo.

Phan Thủy

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động