Thứ sáu 08/11/2024 03:34

Về quê giữa trưa nắng, nam thanh niên suýt mất mạng vì sốc nhiệt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân nguy kịch vì sốc nhiệt.
Về quê giữa trưa nắng, nam thanh niên suýt mất mạng vì sốc nhiệt
Ảnh minh họa: Khánh Huy

Cách đây khoảng 1 tháng, sau hơn 2 giờ di chuyển bằng xe máy từ Hà Nội về quê Phú Thọ giữa trời nắng gắt (từ 12h đến 14h), nam thanh niên 21 tuổi bất ngờ xuất hiện đau đầu vật vã, người nóng như than, sau đó ý thức giảm dần, gọi hỏi không biết…

Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ban đầu tại Trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, thở qua bóp bóng, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp hồi sức và kiểm tra toàn diện để lọai trừ tình trạng bất thường não, mạch não và các nguyên nhân khác.

Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao, lên tới 30 – 40%. Đây là ca bệnh khó và rất nặng.

Sau khi hội chẩn trong khoa, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy nhằm kiểm soát nhiệt độ cơ thể và các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải… để điều chỉnh các rối loạn do tình trạng sốc và tăng thân nhiệt gây ra.

Sau 5 ngày duy trì hạ thân nhiệt chỉ huy, 2 ngày lọc máu và phối hợp các biện pháp điều trị cực, bệnh nhân dần có ý thức, các rối loạn dần ổn định. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân được rút máy thở và được ra viện sau 22 ngày.

Theo các bác sĩ, sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (trên 40 độ C) đi kèm với rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn... dẫn đến rối loạn ý thức hoặc hôn mê. Hiện tượng này thường gặp vào mùa hè, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng gay gắt, khi nhiệt độ tăng cao đột ngột và cơ thể hấp thụ quá nhiều nhiệt từ môi trường bên ngoài trong thời gian dài.

Do mất kiểm soát nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Một số dấu hiệu nhận biết người bị sốc nhiệt bao gồm: có dấu hiệu kiệt sức; nhiệt độ cơ thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn; cảm thấy rất nóng và khô; không đổ mồ hôi mặc dù cơ thể rất nóng; thở gấp, nhanh hoặc hụt hơi; ần mất tỉnh táo; ên cơn co giật; không phản ứng

Khi gặp trường hợp sốc nhiệt, cần đưa ngay người bệnh vào nơi mát mẻ, tốt nhất là đưa vào nhà, nếu không có điều kiện thì đưa đến nơi có bóng râm. Cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài và gọi cấp cứu ngay lập tức. Sử dụng quạt để làm mát cho bệnh nhân trong khi chờ đợi.

Hạ thân nhiệt cho bệnh nhân càng sớm càng tốt ngay tại hiện trường: dùng khăn ướt (vắt ráo nước) để chườm mát, quạt mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục chườm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38 độ C. Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ khăn ướt và thay bằng khăn khô. Trấn an người bệnh cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế. (Lưu ý tránh sử dụng nước đá dội vì có thể làm co mạch ngoại vi và tăng thân nhiệt trung tâm).

Khi xe cấp cứu đến cần tiếp tục hỗ trợ làm mát cơ thể cho bệnh nhân và đưa đến các cơ sở y tế.

Để hạn chế tình trạng sốc nhiệt xảy ra: cần uống nhiều nước, đặc biệt là khi tập thể dục; mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát; tránh ra ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày (từ 11h sáng đến 3h chiều); tắm mát; tránh sử dụng rượu bia; tránh tập thể dục quá sức.

Thiệt mạng vì sốc nhiệt khi tham gia sự kiện ngoài trời
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động