Văn phòng thừa phát lại hoạt động như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội phát triển thêm 35 văn phòng thừa phát lại. |
Ngày 14-7-2021, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định số 3545/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu của đề án là triển khai đầy đủ, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 5-5-2020 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ.
Phát triển văn phòng thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm tổng số văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP không quá 43 tổ chức (8 văn phòng hiện có, 35 văn phòng phát triển thêm); mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 văn phòng thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 văn phòng thừa phát lại.
Các văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan.
Về địa vị pháp lý, văn phòng thừa phát lại do 1 thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình DN tư nhân. Văn phòng thừa phát lại do 2 thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình Cty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật văn phòng thừa phát lại là trưởng văn phòng và phải là thừa phát lại.
Văn phòng thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu của văn phòng thừa phát lại không có quốc huy, văn phòng thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của văn phòng thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Chế độ tài chính của văn phòng thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình DN tương ứng theo quy định của pháp luật. Văn phòng thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của văn phòng thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Văn phòng thừa phát lại thực hiện các hoạt động: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; Lập vi bằng theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 8 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động như: VP TPL Ba Đình (số 12 phố Phan Kế Bính kéo dài, phường Cống Vị, quận Ba Đình), VP TPL Đông Dương (Số 75 phố Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa), VP TPL quận Hà Đông (B14 Khu đấu giá quyền sử dụng đất Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), VP TPL Hà Nội (Số 101, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), VP TPL Hai Bà Trưng (số 3A11 khu Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), VP TPL Hoàn Kiếm (Số 16A/3 phố Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm), VP TPL quận Nam Từ Liêm (Biệt thự BT1-D4 Khu đô thị mới Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), VP TPL Thủ Đô (Số 2, Lô 1, dãy A, khu Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).
Trong 3 năm qua, các văn phòng thừa phát lại hoạt động rất hiệu quả, giảm tải công việc cho Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật. Cụ thể, văn phòng thừa phát lại đã tống đạt được 229,032 văn bản của Tòa án và cơ quan THADS. Đã có 35,835 vi bằng được lập và đăng ký tại Sở Tư pháp. Hai công việc khác là xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự số vụ việc giải quyết còn ít trong thời gian qua.
Việc phát triển thêm 35 văn phòng thừa phát lại ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của TP và tình hình phát triển của từng quận, huyện, thị xã.
Trong đó, hoạt động của thừa phát lại phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức Nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại