Thứ sáu 29/03/2024 14:51
Rủi ro khi góp vốn giao dịch chứng khoán quốc tế:

Vẫn nhiều nạn nhân mắc bẫy?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vài tháng trở lại đây, số điện thoại của tôi và chắc của không ít người liên tục được gọi mời tham gia các nhóm đầu tư chứng khoán. Với thủ đoạn mời gọi đầu tư chứng khoán quốc tế cùng cam kết, hứa hẹn lợi nhuận cao, các đối tượng đã lừa đảo được không ít nạn nhân. Nhiều người, vì tham lợi nhuận, đã mất số tiền lớn.
Hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.
Hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.

Mất trắng vì ham lãi cao

Chị Nguyễn Ngọc Liên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2022, chị liên tục nhận được cuộc gọi từ một số người nhận là nhân viên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Họ đưa ra lời mời đầu tư hấp dẫn, với mức lãi suất khoảng 5 -7%/ngày và khi tham gia sẽ miễn phí toàn bộ chi phí tư vấn. Sau đó, họ tự gửi tài liệu về các kênh đầu tư qua Zalo của chị. Bị hấp dẫn bởi các lời mời chào, chị Liên quyết định đầu tư tiền qua kênh chứng khoán quốc tế này và được hướng dẫn tải một ứng dụng điện thoại có tên MTF… để thực hiện các giao dịch. Sau khi chị Liên nộp 3.000 USD vào tài khoản một Cty trung gian, trên tài khoản ứng dụng của chị hiện lên đúng số tiền đó. Chị cũng được mời gia nhập một nhóm chat (trò chuyện) trên mạng xã hội Zalo để “chuyên gia” hướng dẫn cách đặt lệnh, rút tiền…

Trong khoảng một tháng đầu, tài khoản của chị Liên liên tục báo lãi, số tiền có lúc lên đến hơn 5.000 USD, vì thế, chị nộp thêm 1.000 USD vào tài khoản. Tuy nhiên, ít lâu sau, tài khoản liên tục báo lỗ và sau vài tháng tham gia, tài khoản của chị Liên không còn tiền: “Các dữ liệu trong tài khoản bị xóa sạch. Ðến lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa. Trong nhóm chat của tôi, nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Có nhiều người đã huy động vốn từ bạn bè, người thân với số tiền lên đến hàng chục nghìn USD. Tìm mọi cách liên lạc với các nhân viên môi giới, “chuyên gia” thì họ đã “cao chạy xa bay”.

Theo một số nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm, hầu hết những người bị lừa đảo qua hình thức này đều hiểu biết rất ít về thị trường chứng khoán. Chính vì thế, họ không nắm rõ được loại hình giao dịch mình dự định tham gia mà chỉ tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ từ nhân viên môi giới. Ðến khi không đăng nhập được hoặc mất hết tiền trong tài khoản thì đã quá muộn.

Theo tìm hiểu, thủ đoạn của đối tượng sau khi dụ dỗ được nạn nhân thường là qua hình thức ủy thác đầu tư có cam kết. Khi nhà đầu tư chuyển tiền, môi giới sẽ dùng số tiền này giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế bằng cách sử dụng đòn bẩy cao (dùng ít tiền nhưng mua được cổ phiếu mệnh giá cao), tỷ suất lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, cách đầu tư này cũng rất dễ thua lỗ, thậm chí trắng tay. Các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế mà những đối tượng chèo kéo khách hàng tham gia đều không được cấp phép tại Việt Nam. Các phần mềm thanh toán cũng do các sàn này tự tạo ra, không có cơ quan nào quản lý.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý rất nhiều sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, sàn ngoại hối trái phép hoạt động trên không gian mạng có dấu hiệu lừa đảo. Các sàn này giới thiệu nguồn gốc từ nước ngoài và cam kết mức lợi nhuận cao. Thời gian đầu, các đối tượng sẽ để người chơi thắng và nạp thêm tiền, sau đó sẽ tư vấn đánh các lệnh lớn hoặc can thiệp vào tài khoản của khách hàng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản. Nhiều nhà đầu tư bị mất các khoản tiền lớn, có người mất hàng tỷ đồng.

Cẩn trọng với hoạt động đầu tư chứng khoán quốc tế trực tuyến

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Đây là hình thức đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Hiện nay, các nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch, đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đối với phương thức giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp trên website của sàn giao dịch và tự thực hiện hoạt động mua/bán chứng khoán quốc tế.

Trong khi đó, nhà đầu tư đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài sẽ gửi lệnh mua/bán thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam và cá nhân/tổ chức này sẽ thay nhà đầu tư chuyển tiền, rút tiền và nhập lệnh lên sàn, thông báo lãi/lỗ, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chuyển thêm tiền nếu tài khoản bị lỗ dẫn đến thiếu hụt tài sản ký quỹ.

Theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam và Cty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán. Cty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được UBCKNN cấp phép, các cá nhân thực hiện hoạt động môi giới cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ cũng như được UBCKNN cấp chứng chỉ hành nghề. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch không phải do Sở GDCK Việt Nam và Cty con tổ chức, vận hành. Khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến nêu trên, nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và không được pháp luật bảo vệ.

Cẩn trọng với các hội nhóm mua bán chứng khoán trên mạng xã hội
Tân Hoàng Minh ngừng kinh doanh các chi nhánh trên cả nước, dồn tiền trả nhà đầu tư trái phiếu
Rủi ro khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động