Thứ sáu 22/11/2024 23:55

Vẫn còn thực phẩm “bẩn” nếu chưa... sửa luật!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) -Mới đây, trong hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, đại diện Bộ Công an đã đưa ra nhiều đánh giá về những bất cập trong quá trình thi hành luật.


Đáng chú ý, Bộ này đề xuất sửa đổi, bổ sung tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 224) theo hướng quy định tội này có cấu thành hình thức, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường tính răn đe trong công tác đấu tranh tội phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu được sửa đổi, điều này sẽ tạo nên tác động lớn, bởi với cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không cần đợi đến khi có hậu quả xảy ra như qui định hiện hành. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị nghiên cứu quy định thành một tội riêng với hành vi sử dụng trái phép hóa chất, chất bảo quản trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người.


Tình trạng người dân bị “đầu độc” bởi các loại thực phẩm “bẩn” diễn ra hàng ngày hàng giờ. Ảnh: TL


Đề xuất của Bộ Công an cũng là quan điểm của nhiều người qua thực tiễn mỗi năm có hàng nghìn vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng rất hiếm hoi có vụ việc nào bị xử lý hình sự. Thực tế, tại một hội nghị của TP Hà Nội bàn về bất cập trong xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2013 đã chỉ ra, Hà Nội chưa có trường hợp nào bị xử lý về tội danh này. Trong khi đó, tình trạng người dân bị “đầu độc” vì các loại thực phẩm “bẩn” diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhưng việc xử lý chủ yếu bằng xử lý vi phạm hành chính khiến cho vi phạm dường như đang “nằm ngoài” khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Công bằng mà nói hệ thống các văn bản pháp luật qui định về lĩnh vực an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ, nhưng lại rất khó áp dụng, chưa kể đến qui định nói trên của Bộ luật Hình sự bị nhiều chuyên gia pháp lý cho là qui định “treo”, khiến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này không những không giảm mà còn gia tăng, với nhiều hình thức vi phạm ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi hơn. Bên cạnh đó, qui định về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được qui định trong nhiều văn bản khác nhau, nhưng mỗi cơ quan chức năng lại chỉ chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực nhất định, chứ không có cơ quan nào chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến cung cấp cho người dân.

LS Trương Văn Hải, Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, chính qui định của Bộ luật Hình sự về việc xác định hậu quả thiệt hại xảy ra đối với tội phạm này và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra để xử lý hình sự tội phạm này không khả thi, đã dẫn đến tình trạng không thể xử lý hình sự được các vi phạm này. Còn các hình thức xử lý vi phạm hành chính lại quá “nhẹ nhàng” so với lợi nhuận mà người kinh doanh thu được, nên không đủ sức răn đe. Theo luật, khi một người do sử dụng thực phẩm “bẩn” mà bị xâm phạm đến tính mạng hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, thì người cung cấp, chế biến… thực phẩm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu bị ngộ độc dẫn đến tử vong thì việc chứng minh trách nhiệm đơn giản. Nếu ăn, uống mà bị tử vong, thì chắc chắn sản phẩm sẽ bị tẩy chay ngay, người kinh doanh cũng chẳng dám làm. Nhưng hầu hết, các thực phẩm không đảm bảo an toàn thường gây hậu quả “từ từ”, và chứng minh “xâm phạm nghiêm trọng” đến sức khỏe quá nan giải. Hậu quả dễ nhận thấy mà các nạn nhân phải gánh chịu là ngộ độc thực phẩm, đau bụng, và các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng độc hại phải tích lũy dần trong cơ thể, đến một mức nào mới gây nên các bệnh ung thư, suy thận, sinh lý…

Và 5 năm, 10 năm, hoặc dài hơn nữa, người sử dụng những thực phẩm này phát bệnh, thì cơ quan nào có thể chứng minh đây là “hậu quả” của việc ăn phở có phoóc-môn, bún được tẩy trắng bởi tinopal, ăn cua, hến ốc bị nhiễm asen, dùng nước chấm có melamine, uống rượu nếp làm từ cồn công nghiệp? Rõ ràng, việc buộc phải tìm ra “mối quan hệ nhân quả” này quá khó, khiến cho qui định này của Bộ luật Hình sự nghe có vẻ nghiêm minh, nhưng thực tế lại gần như không thể áp dụng. Đồng thời, những bất cập này cũng chưa được hướng dẫn hay giải thích ở một văn bản nào.

Cũng nhìn dưới góc độ pháp lý, LS Nguyễn Thủy Nguyên, Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cần giải thích cụ thể thế nào là “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”? “Ngoại trừ những trường hợp sau khi thực phẩm được sử dụng gây hậu quả chết người, ngộ độc cấp tính… thì cần đưa ra các tiêu chí để “định lượng” cho hành vi này, ví dụ, kinh doanh 1 tạ bánh phở chứa phoóc-môn, 1 tạ rau “bẩn”, hay đã cung cấp thực phẩm “bẩn” cho bao nhiêu người sử dụng trở lên… là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, LS Nguyên nói.

Ngoài ra, dấu hiệu “người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng” là không cần thiết. Sẽ hiếm có người nào thật thà khai rằng mình biết rõ đang buôn bán thực phẩm này có thể khiến người sử dụng bị ung thư, mà sẽ nói tránh là không biết hậu quả nguy hiểm đến mức này nên mới kinh doanh. Theo LS Nguyên, nên bỏ qui định “biết rõ” này, và chỉ cần “chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng” là đủ bị truy tố. Nghĩa là, pháp luật buộc người kinh doanh phải biết và phải chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm mà họ cung cấp.

Đồng thời, LS Hải cho rằng, việc luật chỉ qui định các hành vi “chế biến, cung cấp hoặc bán” thực phẩm thì chưa đầy đủ, mà cần bổ sung thêm qui định về vận chuyển thực phẩm “bẩn”. Bởi trong thực tế hiện nay, mỗi năm các cơ quan chức năng bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”, và các lái xe đồng loạt khai không biết chủ hàng là ai. Đây chính là chiêu “lách” trách nhiệm hình sự của các chủ hàng, bởi hành vi vận chuyển thực phẩm “bẩn” hiện chỉ bị xử phạt hành chính vài triệu đồng. Trong khi đó, vận chuyển là công đoạn cực kỳ quan trọng để đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Việc “đầu độc” người tiêu dùng bằng thực phẩm “bẩn” sẽ gây nên những hậu quả khôn lường không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai, cho cả các thế hệ mai sau. Bởi vậy, hành vi này phải bị xử lý nghiêm minh, trước hết bằng việc sửa đổi các qui định của Bộ luật Hình sự để không “bó tay” các cơ quan chức năng!

Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1.Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2.Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động