Thứ sáu 22/11/2024 06:08

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Dược

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - “Nghề dược là một nghề tương tự nghề bác sĩ, kỹ sư chứ không phải một chức vụ mà cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23-2 khi cho ý kiến về Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của Luật Dược (sửa đổi).

Luật Dược không quản lý thực phẩm chức năng

Theo ông Hiện, “Nếu cấp 5 năm một lần thì chỉ phát sinh tiêu cực, còn vì lý do cần cập nhật kiến thức thì ai cũng phải cập nhật cả, không thể nói 5 năm sau trình độ lại kém đi. Theo tôi cấp một lần, nếu sau này không đủ điều kiện thì rút”. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình, không cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần nhưng phải “thường xuyên kiểm tra có bán thuốc, có cho mượn bằng không, nếu không đủ điều kiện thì không chỉ rút chứng chỉ đâu, mà rút ngay hoạt động của cửa hàng này”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm thông tin về quy định cấp chứng chỉ có thời hạn có thể phát sinh tiêu cực, thủ tục phiền hà, không tạo điều kiện cho người hành nghề, nhưng có thuận lợi gì cho quản lý, cho xã hội không và thông lệ quốc tế như thế nào?

Bà Trương Thị Mai cho biết, xu hướng cấp 5 năm một lần là xu hướng chung của nhiều nước, nhưng nhiêu khê quá, nên tiếp thu các ý kiến, sẽ trình QH hai phương án, trong đó phương án 1 là cấp một lần, phương án 2 là cấp 5 năm/lần.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của Luật Dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, về ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dược các hoạt động về quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế, hiện nay, thực phẩm chức năng được quản lý bằng quy định của Luật an toàn thực phẩm còn mỹ phẩm được quản lý bằng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Hóa chất. Riêng về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế dự kiến sẽ trình Chính phủ xây dựng dự án Luật Về trang thiết bị y tế trong nhiệm kỳ tới (thay vì xin trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị định độc lập). Như vậy, các lĩnh vực này sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản luật khác nên không bổ sung vào Luật Dược.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo giải trình về Dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Ảnh: P.Thảo

Siêu thị được phép bán một số loại thuốc

Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền (YHCT), thực phẩm chức năng, thực phẩm) nên khó kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu để làm thuốc YHCT. Việc này làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng YHCT, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của YHCT Việt Nam. Do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù để quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, nên Dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ quy định việc quản lý nhập khẩu dược liệu để phù hợp với thực tiễn.

Theo Chủ tịch QH, Luật Dược (sửa đổi) cần phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng quan điểm, quy định về quản lý Nhà nước trong Dự thảo rất nặng nề cho ngành y tế. Ví dụ, để phát triển vùng nguyên liệu dược cổ truyền, liên quan nhiều đến Bộ NN&PTNT, hay khâu sản xuất thuốc trong nước thì Bộ Công thương làm gì, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học công nghệ làm gì… nên cần làm rõ vai trò của các cơ quan liên quan.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật Dược đã chỉnh lý theo hướng cho phép bán tại siêu thị một số thuốc theo danh mục hạn chế (không phải kê đơn). Đồng thời, hạn chế bán rộng rãi một số loại thuốc có nguy cơ dễ bị lạm dụng hoặc dễ gây kháng thuốc như thuốc hướng thần, gây nghiện, thuốc chữa lao, HIV. Đặc biệt, liên thông quản lý để kiểm soát việc sử dụng một số nguyên liệu làm thuốc thông thường nhưng lại là hóa chất cấm của ngành khác như chất sabutamol điều trị hen ở người hiện đã bị lạm dụng thành chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Hiện Luật Thương mại không cho phép khuyến mại thuốc cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, nên cho phép các DN dược được hỗ trợ miễn phí thuốc cho bệnh nhân khi điều trị các bệnh hiểm nghèo dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng các DN lợi dụng các chương trình này để bán và quảng cáo thuốc cho người bệnh không có kiến thức đầy đủ về thuốc.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, cơ bản tán thành với Điều 8 Dự thảo về chính sách quản lý dược. Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng, điều này mới “dừng ở việc quy định số lượng và chất lượng của thuốc mà chưa nói về giá thành”, nếu cùng chất lượng mà giá thuốc của nước ngoài chỉ bằng 1/3, 1/4 giá trong nước mà lại cứ ưu tiên sản xuất, dùng thuốc trong nước thì thiệt hại là người tiêu dùng phải chịu giá cao. Còn theo Chủ tịch QH, Luật Dược được sửa đổi phải vừa đảm bảo được tự do kinh doanh, lưu thông hàng hóa vừa đảm bảo làm sao để người Việt Nam phải được sử dụng thuốc tốt nhất với giá thành hợp lý.

Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động